Những triệu phú trên núi

Chủ nhật, ngày 30/10/2011 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là tỉnh miền núi còn khó khăn, nhưng nhiều hộ đồng bào DTTS ở Điện Biên đã biết khai thác tiềm năng đồi rừng, lao động để tạo ra thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Đưa “chất xám” vào vườn rừng

Ông Vàng Chứ Dơ - dân tộc Mông ở bản Lồng, xã Tỏa Tình (Tuần Giáo) nhận khoanh nuôi bảo vệ 17ha rừng nhiều năm nay. Những khoảnh rừng trọc, ông trồng giặm các loại cây gỗ nguyên liệu như keo lai. Với mô hình phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp với chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, ông Dơ đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động trong gia đình với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, ông vẫn còn lãi trên 60 triệu đồng/năm.

img
Mô hình nuôi cá của hộ anh Lò Văn Giảng (trái), bản Tạ Sen, xã Lang Lưa, thị xã Mường Lay.

Cũng nhận khoanh nuôi 11ha rừng, ông Lò Văn Tính, 54 tuổi, dân tộc Thái, bản Toọng, xã Ẳng Tở, (Mường Ảng) phát triển mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR). “Bên cạnh duy trì đàn trâu, bò, mấy năm nay, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lợn rừng, hươu sao. Mô hình này đã giúp gia đình tôi tận dụng được mặt bằng đồi rừng, nguồn thức ăn, nhân công và dĩ nhiên thu nhập cũng tăng” - ông Tính cho biết.

Không có đồi rừng, gia đình ông Khoàng Văn Phánh - dân tộc Thái, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (Mường Nhé) lại làm kinh tế theo hướng tập trung vào chăn nuôi. “Ban đầu, gia đình tôi chỉ nuôi dăm con trâu, bò, vài con lợn. Được vay vốn và được dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội ND và ngành khuyến nông tổ chức, tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo hướng tập trung. Có chăn nuôi lớn, phòng trừ bệnh dịch thì ND mới giàu...”- ông Phánh chia sẻ.

Hiện đàn trâu, bò của gia đình ông Phánh có hơn 30 con. Năm nào ông cũng xuất ra thị trường hàng tấn lợn thịt, trừ chi phí mỗi năm ông tích luỹ được trên dưới 100 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của ông Phánh là một trong những địa chỉ Hội ND tỉnh tổ chức cho hội viên, ND tham quan học hỏi.

Tổng kết phong trào ND SXKD giỏi giai đoạn 2006-2011, toàn tỉnh Điện Biên có 2.632 ND SXKD giỏi, trong đó mô hình VAC chiếm 72,3%, VACR 4,86%, mô hình trang trại 4,53%, mô hình dịch vụ tổng hợp 18,31%...

Cùng nhau làm giàu

Phong trào ND SXKD giỏi ở Điện Biên không chỉ là động lực khơi dậy tiềm năng về đất đai, vốn, lao động, mà còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau vượt khó trong nội bộ ND.

Gia đình bà Bùi Thị Xuân ở thị trấn Mường Ảng (Mường Ảng) đã mở dịch vụ thu mua nông sản tạo việc làm cho trên 300 lao động thường xuyên và thời vụ. Hiện nay, gia đình bà tư vấn, giúp nhiều hộ khó khăn cây, con giống, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cà phê.

Trong 5 năm qua, Hội ND các cấp tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 46.812 lượt hội viên; đào tạo nghề cho 3.726 lao động; uỷ thác, tín chấp cho 26.824 lượt hộ vay vốn với dư nợ bình quân trên 400 tỷ đồng/năm...

Là người Mông đầu tiên của huyện Điện Biên xuống vùng thấp làm ruộng lúa nước và đào ao nuôi cá, đến nay, anh Vàng A Sử, bản Nà Pen II, xã Nà Nhạn không chỉ là triệu phú, mà còn giúp nhiều hộ cùng làm theo mình.

“Người Mông vốn ở trên cao nên chuyện nuôi cá hầu như chưa ai làm. Mới đầu, mình chưa biết cách nuôi nên cá ít và chậm lớn, nhờ cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, Hội ND đưa đi thăm ao cá của người Thái, người Kinh nên mình biết kỹ thuật nuôi cá nhanh lớn”- anh Sử thổ lộ. Mấy ha ao của gia đình anh Sử mỗi năm cho thu hoạch hàng tấn cá. Bà con người Mông khắp nơi về thăm và học theo. Hiện nay, anh Sử là chủ 3 trang trại VAC, với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Sùng Chứ Thếnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết: “Phong trào ND SXKD giỏi đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào, vai trò của tổ chức Hội ND được nâng lên rõ rệt, hội viên gắn bó với Hội...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem