Phùng Tiểu Liên nói rằng, cô sẵn sàng làm tai mắt cho Mục Hoàng hậu tại hậu cung của Hoàng đế, cung cấp mọi thông tin cần thiết để Hoàng hậu biết tâm ý của hoàng thượng, đồng thời dùng lời nói của mình để ly gián, khiến Hoàng đế dần xa lánh những mỹ nữ khác.
Nếu như vậy, chẳng bao lâu sau, Hoàng đế sẽ quay lại sủng hạnh Hoàng hậu như xưa. Đang trong lúc bế tắc vì thất sủng, Mục Hoàng hậu cho rằng, phương pháp của Phùng Tiểu Liên là một “diệu kế”, vì vậy đồng ý ngay. Tuy nhiên, có lẽ Mục Hoàng hậu không ngờ được rằng đó lại là sai lầm lớn nhất trong đời mình. Bởi lẽ, kể từ khi dâng Phùng Tiểu Liên cho Cao Vỹ, bà Hoàng hậu đáng thương này đã hoàn toàn đánh mất người đàn ông của cuộc đời mình.
Phùng Tiểu Liên.
Những trò quái đản
Đúng như lời của Phùng Tiểu Liên đã nói, kể từ khi có được cô tỳ nữ họ Phùng, mỹ nhân họ Đổng lập tức thất sủng, chẳng còn được Cao Vỹ đoái hoài đến nữa. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, Mục Hoàng hậu gần như không còn tồn tại với vị Hoàng đế thứ 5 triều Bắc Tề này nữa. Người ta nói rằng Phùng Tiểu Liên không chỉ xinh đẹp, tài năng mà điều đặc biệt là mỹ nhân này có một làn da trắng nõn nà như ngọc.
Vì thế, Cao Vỹ vừa nhìn thấy Phùng Tiểu Liên đã như bị hút hồn, tới mức ngẩn ngơ không nói được lời nào cả. Không chỉ xinh đẹp, đa tình và quyến rũ, cô tỳ nữ họ Phùng lại là người cực kỳ thông minh và giỏi đoán ý, lấy lòng kẻ khác. Vì thế không giống như những mỹ nhân khác sau khi được sủng ái một thời gian thường bị Cao Vỹ chán ghét, Phùng Tiểu Liên rất biết cách để trói chặt Cao Vỹ, khiến vị Hoàng đế không thể rời ra được.
Kể từ ngày được Cao Vỹ sủng ái, Phùng Tiểu Liên được vị Hoàng đế triều Bắc Tề cho phép “ngồi thì cùng ghế, ra ngoài thì cùng xe”. Nên nhớ rằng, thời cổ đại Trung Quốc, Hoàng đế là người có quyền lực tối cao vô thượng, điều đó được thể hiện qua tất cả những chi tiết nhỏ nhất, từ việc ăn mặc, đi lại cho tới mỗi cử chỉ, hành động. Tất cả mọi hành động vi phạm những quy tắc điển lễ ngặt nghèo đều bị coi là tội khi quân và phải chịu những hình phạt cực kỳ tàn bạo và khắt khe.
Ngay việc ngồi xe nhiều ngựa như Hoàng đế hoặc sử dụng vải màu vàng để may quần áo đều phải chịu tội tru di. Nói như vậy thì việc Cao Vỹ để Phùng Tiểu Liên ngồi cùng ghế, cưỡi một ngựa đủ cho thấy rằng ông vua này sủng ái cô tỳ nữ họ Phùng tới mức nào. Thậm chí, có sử gia còn chép rằng, Cao Vỹ từng tuyên thệ với Phùng Tiểu Liên rằng “suốt đời suốt kiếp sẽ ở bên nhau”.
Không có bất cứ yêu cầu nào của mỹ nữ họ Phùng không được Cao Vỹ “chấp hành” một cách nhanh chóng và hoàn mỹ nhất. Thậm chí, giả như mặt trăng mà có thể lấy xuống được thì tin chắc rằng, ngày nay chúng ta sẽ chẳng còn mặt trăng mà ngắm. Kể từ khi có được Phùng Tiểu Liên, niềm cảm hứng văn chương của Cao Vỹ lại dạt dào hơn bao giờ hết. Vị Hoàng đế Bắc Tề bất chấp những mối hiểm họa đang rình rập cả bên trong lẫn bên ngoài, bất chấp cả vận mệnh quốc gia đang bên bờ vực thẳm, ngày đêm viết nhạc, phổ khúc, cùng Phùng Tiểu Liên lấy việc ca hát, nhảy múa, uống rượu, hưởng lạc làm vui, cho đó là cảnh sống thần tiên mà chỉ có hai người hiểu được.
Có được Phùng Tiểu Liên, Cao Vỹ chết mê chết mệt, mấy lần định phế bỏ Mục Hoàng hậu, lập Phùng Tiểu Liên làm Hoàng hậu. Tuy nhiên, Phùng Tiểu Liên cũng là người biết trước biết sau, nhớ lại ơn của chủ cũ, không nỡ “cạn tàu ráo máng”, vì vậy kiên quyết không đồng ý làm Hoàng hậu.
Mỹ nhân lắc đầu, Cao Vỹ cũng không đành lòng cưỡng ép, thế nhưng để bày tỏ sự sủng hạnh của mình, Cao Vỹ phong cho Phùng Tiểu Liên làm Thục phi, tước vị chỉ đứng sau mỗi Hoàng hậu, và cho tới ở Long Cơ Đường.
Tuy nhiên, tòa cung điện này trước kia vốn là chỗ ở của Tào Chiêu nghi, Phùng Tiểu Liên không chịu dùng lại cung điện của kẻ khác, lại sợ số phận của mình giống như Tào Chiêu nghi nên bắt Cao Vỹ phá Long Cơ Đường đi và xây lại một tòa mới. Cao Vỹ đương nhiên không dám có “ý kiến”, lập tức ra lệnh phá bỏ Long Cơ Đường rồi mở ngân khố, lấy hàng vạn lạng vàng xây dựng một tòa cung điện mới cho Phùng Tiểu Liên.
Dã sử chép rằng, Phùng Tiểu Liên nổi tiếng nhất với làn da trắng như ngọc và vóc dáng thon thả cực kỳ hút hồn. Mùa đông, Tiểu Liên giống như một cái chăn bông ấm áp, khiến những người ôm nàng trong tay như được lên nơi tiên cảnh. Còn mùa hè, làn da của Tiểu Liên nõn nà, trơn mượt giống như một viên ngọc quý. Chính vì vậy, một kẻ háo sắc như Cao Vỹ đương nhiên chết mê chết mệt.
Cao Vỹ quá si mê Phùng Tiểu Liên, chẳng khi nào muốn rời tay. Ngay cả lúc lâm triều, cùng các quan đại thần bàn chuyện quốc gia đại sự, Cao Vỹ cũng ôm mỹ nhân họ Phùng trong lòng, hoặc đặt trên đùi, để vừa nghe các đại thần bàn chuyện “đại sự” vừa được ngắm nhìn và trò chuyện với người đẹp.
Các quan đại thần trong triều bản thân cũng là đàn ông, thấy cảnh tượng đó ngay giữa chốn nghị triều, kẻ thì xấu hổ, kẻ thì nghĩ tới chuyện nam nữ, thành ra người nói điều này, người khác lại trả lời điều kia, chẳng ai hiểu được ai. Vì vậy, rất nhiều chuyện lớn của triều đình được quyết định mà vẫn chẳng ai hiểu ai là người quyết định và vì sao lại có cái quyết sách ấy.
Dành hết thời gian cho người đẹp, thành ra, ngồi trên ngai vàng vỏn vẹn 10 năm, nhà Bắc Tề dưới sự trị vì của Cao Vỹ đã suy tàn tới mức không thể cứu vãn được nữa. Năm 576, quân Bắc Chu kéo sang tấn công Bắc Tề, quân Tề liên tiếp thất bại, quân Bắc Chu nhanh chóng tiến sát tới kinh đô. Sợ khi quân Bắc Chu kéo tới kinh thành, người đầu tiên chúng lùng giết sẽ là Hoàng đế, vì vậy, Cao Vỹ vội vã nhường ngôi lại cho con trai là Cao Hằng, khi đó mới 8 tuổi.
Sau đó, thấy quân Bắc Chu tàn bạo, đi tới đâu là chém giết tới đó bất kể già trẻ, trai gái, sợ rằng mình có truyền ngôi cho con rồi cũng khó mà thoát khỏi cái chết, vì vậy Cao Vỹ quyết định mang theo Cao Hằng và hơn chục người cưỡi ngựa trốn khỏi kinh thành Bắc Tề chạy xuống phương Nam định đầu hàng nhà Trần. Tuy nhiên, khi mới chạy tới Thanh Châu, nay là Sơn Đông thì bị quân Chu bắt được. Năm 577, Cao Vỹ bị quân Bắc Chu xử tử. Năm đó, vị Hoàng đế triều Bắc Tề mới vỏn vẹn 21 tuổi.
Tú Linh (Khoevadep)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.