Những vị khách đặc biệt của Dân Việt

Nhóm Phóng viên Thứ ba, ngày 08/06/2021 19:03 PM (GMT+7)
Họ có thể là những nhân vật trong những bài báo đăng trên Dân Việt, được bạn đọc đồng cảm, sẻ chia, họ cũng có thể chỉ là những bạn đọc bình thường của Dân Việt, nhưng lại yêu tờ báo bằng một tình yêu chân thành, thuần khiết đến bất ngờ.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 11 năm ngày thành lập Dân Việt (8/6/2010 - 8/6/2021), chúng tôi xin được viết những dòng này để tri ân họ, cũng chính là gửi lời tri ân tới tất cả những bạn đọc yêu quý của Dân Việt, những người đã giúp chúng tôi có thêm tự tin để bước đi trên hành trình của mình.

Thú vui vườn tược của chú Sáu Phong

Không người dân nào nơi bến phà, rìa con sông Sài Gòn, thuộc xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, lại không biết tới vườn nhà ông Sáu Phong – tức ông Nguyễn Minh Triết – nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2005 -2011.

Từ rất lâu, khi ông còn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (cũ), người dân địa phương đã gọi ông Nguyễn Minh Triết bằng cái tên hết sức thân mật, dân dã – ông Sáu Phong. Vì lẽ đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho dân, cho nước, vợ chồng ông dọn nhà luôn về sống ở mảnh vườn nhỏ này.

Những vị khách đặc biệt của Dân Việt - Ảnh 2.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) tiếp thân mật nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt cùng nhóm PV ngay tại vườn nhà vào tháng 7/2020. (Ảnh: Đình Việt)

Mảnh vườn rộng gần 1 héc-ta, kề bên con sông Sài Gòn xanh mát, dường như trở thành niềm vui, hạnh phúc bất tận đối với vợ chồng nguyên Chủ tịch nước. Nhà ông Sáu Phong ngày nào cũng có khách. Mỗi khi khách đến, ông lại dẫn khách đi tham quan mảnh vườn nhỏ, giới thiệu từng gốc cây, trái chín…

Chúng tôi – nhóm phóng viên báo NTNN/Dân Việt – từng may mắn được ông Sáu Phong đón tiếp 3 lần, ngay tại mảnh vườn nhà mà vợ chồng ông đang sống. Tiếp chuyện ông Sáu Phong dưới tán xanh của cây lá trong vườn, thật khó hình dung, ông già tóc trắng phau, tuổi gần 80 này, lại từng là một nguyên thủ quốc gia, từng là Chủ tịch nước…

Ông Sáu Phong nói: “Tuổi già rồi, vợ chồng tôi không quen lắm với chốn thị thành, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Mình về làm vườn, vui với cỏ cây, hoa lá… Sáng sáng ra vườn, ngắt cái lá này, hái cái trái kia; lắng nghe tiếng con chim nó hót; ngoài kia thì nước sông lên xuống, chuyến đò qua lại… Ngẫm, cũng vui”.

"Nhà tôi bên này sông, nhà anh Sáu Khải bên kia sông. Chúng tôi vẫn thường qua lại thăm nhau. Tôi và ảnh có một điểm chung, lúc về hưu là thích trở về với quê hương, vui thú với ruộng vườn" – ông Sáu Phong nói.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quê ở huyện Củ Chi, TP.HCM, bên kia sông Sài Gòn. Ông Sáu Phong kể, lúc còn sống, ông Sáu Khải (tên thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) cũng hay ghé thăm ông Sáu Phong, thăm mảnh vườn nhỏ này.

Không phải ngẫu nhiên, có rất nhiều tao nhân mặc khách dù chỉ một lần đến thăm mảnh vườn nhỏ nhà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi ra về lòng bỗng dưng lắng lại. Hơi đất, cỏ cây, tán lá của mảnh vườn cũng là nét chân chất, giản dị, dễ mến của ông Sáu Phong.

Có lẽ, nhờ thú vui vườn tược, hàng ngày hòa mình trong cái không gian yên tĩnh, trong lành, mà ông Sáu Phong lúc nào cũng có được cho mình một phong thái minh mẫn, nhanh nhẹn. Trông ông không khác gì cốt cách một lão nông miệt vườn của mảnh đất miền Đông trung dũng, kiên cường.

“Lời nói dối ngọt ngào” của cụ ông 80 tuổi lần đầu viết truyện ngắn

Để viết tay 3 truyện ngắn và "đánh liều" mang bản thảo lên đến Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt (Hà Nội) với cụ ông Bùi Quang My, năm nay 80 tuổi ở xã Đông Quang (Đông Hưng, Thái Bình) là cả một hành trình viết lách trong âm thầm, gian nan và có cả những "lời nói dối ngọt ngào"…

Từng cùng các đồng đội chiến đấu trên nhiều mặt trận của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, ít ai ngờ, cựu binh Bùi Quang My, nay đã ở tuổi 80, vẫn âm thầm "chiến đấu" trong âm thầm vì đam mê và niềm tin vào cuộc thi viết "Làng Việt thời hội nhập" do báo NTNN/Dân Việt tổ chức.

Những vị khách đặc biệt của Dân Việt - Ảnh 3.

Cụ Bùi Quang My - năm nay dù đã 80 tuổi nhưng vẫn rất nhiệt tình sáng tác nhiều truyện ngắn tham dự cuộc thi viết “Làng Việt thời hội nhập". (Ảnh: Mỵ Lương)

Ngay cả cụ bà Vũ Thị Đắc – người vợ gắn bó với vị tác giả đến nay đã được hơn 50 năm cũng không hề hay biết chuyện người bạn đời viết truyện ngắn dự thi đã lọt qua vòng Sơ khảo. 

Nói về lý do không cho cụ bà biết được “tài lẻ” viết truyện ngắn gửi báo Dân Việt, cụ Quang My bảo: "Thời trẻ tôi phải đánh vật với không ít trai làng trên mới tán được và cưới bà ấy. Cả đời chuyện gì vợ chồng cũng chia ngọt sẻ bùi với nhau nhưng riêng chuyện viết truyện ngắn dự thi lần này tôi không nó vì tôi không thích nói nhiều về những điều mình đang làm hoặc dù có làm được tôi cũng không nói cho ai biết".

Cũng vì quan điểm ấy, người cựu binh Trường Sơn đã hơn một lần nói dối vợ con để được thực hiện hóa đam mê viết truyện ngắn dự thi của báo Dân Việt trong năm 2020. 

Khi bị cụ bà "bắt quả tang" nửa đêm vẫn loay hoay ngồi viết truyện ngắn, vị tác giả 80 tuổi chỉ còn nước... nói dối là đang làm gấp kỷ niệm chương cho đơn vị cũ ở Hà Nội.

Đến ngày viết tay hoàn chỉnh 3 truyện ngắn "Kể về một chuyện tình"; "Khoảng trời riêng của bố"; "Thằng cháu đích tôn" dài gần 100 trang giấy A4, cụ My lại tiếp tục "khai gian".

Cụ ông 80 tuổi đã "nói dối có đầu tư" khi thuê hẳn một chuyến xe taxi để đích thân lên Hà Nội đi nộp bản thảo cho BTC cuộc thi viết "Làng Việt thời hội nhập". 

"Tình cờ biết đến cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài nông dân, nông thôn của Báo NTNN/Dân Việt, tôi đã khám phá thêm khả năng viết truyện của bản thân, cũng giúp tôi có thêm niềm vui tuổi già. Tôi xin gửi lời cảm ơn báo NTNN/Dân Việt đã tổ chức một sân chơi hết sức ý nghĩa với những người nông dân như chúng tôi", cụ Quang My chia sẻ.

Có như vậy cụ My mới yên tâm để tránh thất lạc "đứa con tinh thần" và mong ước được một lần trụ sở của Báo NTNN/Dân Việt – nơi đầu tiên cụ gửi gắm những tác phẩm truyện ngắn đầu tay của mình khi cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm.

"Tiền xe bằng tiền cả tấn thóc nhưng tôi không hề tiếc vì được trực tiếp đi gửi những tác phẩm của mình. Đến trụ sở báo Dân Việt, tôi vui mừng khi được gặp gỡ những nhà báo nhiệt tình, tận tâm. Và tôi cũng hiểu thêm công việc của họ đằng sau những bài viết thời sự nóng hổi, phản ánh hơi thở cuộc sống nông thôn, nông dân Việt", cụ Quang My chia sẻ.

Trở về sau chuyến "chu du" lên Hà Nội gửi bản thảo cho BTC cuộc thi viết "Làng Việt thời hội nhập", vị độc giả 80 tuổi hào hứng khoe về dự định sẽ viết tiếp tập truyện ngắn "Thủ thỉ cùng con cháu" trong tương lai.

Cuộc gặp thú vị với người đàn ông mang tiếng "làm màu"

“Không dễ dàng gặp được con người này. Bởi, hôm nay đang rong ruổi trên những cung đường ngoằn ngoèo Tây Bắc; vài hôm sau đã thấy ông đến với những người dân bão lũ miền Trung. Đoàn Ngọc Hải – cái tên nay đã trở thành quen thuộc và nổi tiếng không kém cạnh ngôi sao nào trên đất nước này…”.

Tôi đã viết những viết những chữ đầu tiên cho bài Dân Việt Trò Chuyện với ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) như vậy, vì con người này đúng là khó gặp, khó không phải vì ông kiêu căng mà do ông bận lái xe đến mọi miền đất nước để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

Những vị khách đặc biệt của Dân Việt - Ảnh 5.

Tác giả, nhà báo Lê Đình Việt (trái) chụp ảnh cùng ông Đoàn Ngọc Hải. (Ảnh: NVCC)

Và, phải đến lần hẹn thứ 3, tôi và ông Đoàn Ngọc Hải mới gặp nhau được. Ông hẹn gặp tôi tại Huế vào ngày 22/3, ông giải thích do lịch bận quá, lái xe trên đường suốt, chỉ đợt đó mới có thời gian vì lưu trú tại Huế 3 ngày. Còn nếu tôi đợi ông ra Hà Nội sẽ lâu, phải 1 tháng sau ông mới có lịch ra. Tôi đồng ý.

“Anh chỉ ngồi với em được khoảng 1 tiếng thôi nhé, mà cũng phải cuối giờ chiều mới gặp em được, cả ngày anh phải đi trao quà rồi. Cuối giờ chiều còn nhận quà của mọi người gửi để sáng hôm sau chở lên Tây Nguyên sớm cho các cháu” – ông Hải nhắn tin cho tôi như thế trước khi tôi vào Huế để gặp ông.

Đó cũng là tin nhắn dài nhất mà ông Hải nhắn cho tôi, trước đó lần nào tôi liên lạc ông cũng chỉ nói vỏn vẹn vài câu rất ngắn như “ok” “cảm ơn”…, hoặc đã xem mà không trả lời, nếu trả lời cũng rất chậm. Còn gọi điện không lần nào ông nghe máy. Không ít lần tôi đã từng nghĩ "ông này kiêu quá!".

Thứ thực, trước khi gặp ông Hải tôi đã chuẩn bị rất nhiều câu hỏi, tôi viết câu hỏi tràn cả hai trang giấy A4. Nhưng câu đầu tiên khi gặp nhau tôi lại hỏi câu mà mình không chuẩn bị.

Tôi vừa hỏi vừa trêu: “Gọi cho anh khó quá, chẳng lần nào thấy anh nghe máy”. Ông Hải liền xua tay phân bua: “Không phải anh kiêu đâu, do bận lái xe đấy, lái xe mà nghe điện thoại nguy hiểm lắm. Sợ bị hiểu lầm nên anh viết lên Facebook để mọi người biết, ai có việc gì cứ nhắn tin. Khi nào nghỉ ngơi, không lái xe, anh sẽ trả lời hết!”. Vậy là tôi đã hiểu tại sao ông Hải trả lời tin nhắn của tôi chậm và không bao giờ nghe máy khi tôi gọi điện.

Đến tận bây giờ, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn là một nhân vật có nhiều ý kiến trái chiều, không ít người nói ông đang làm màu. Nhưng tôi vẫn tâm niệm một điều rằng, ông Hải "làm màu" cũng được. "Làm màu" mà giúp được cho nhiều người vẫn là điều đáng quý. Tôi trân trọng con người này và trân trọng những việc ông đang làm.

Chúng tôi sau đó có một cuộc trò chuyện rất thoải mái và chân tình tại một quán cà phê bên bờ sông Hương. Ông Hải kể cho tôi rất nhiều chuyện từ gia đình, đến công việc, rồi những chuyến đi từ thiện. Có những chuyện được xem là “thâm cung bí sử” ông cũng kể cho tôi nghe, nhưng ông nói những chuyện này kể riêng thôi chứ đừng đăng báo. Đăng báo sẽ không tốt cho cả ông Hải và tôi.

Điều làm tôi ấn tượng là ông Hải nói rất nhiều về chuyện thiện nguyện và những dự định cho những chuyến đi sắp tới chứ ít nói về bản thân và những việc mình đã làm được cho cộng đồng. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn mấy lần vì nhiều người đến gặp để gửi quà nhờ ông chuyển cho trẻ em nghèo.

Khi bài báo về ông Hải xuất bản, tôi rất vui, vui vì được độc giả đón nhận và vui vì tôi có cơ hội hiểu thêm về một con người mà trước đó mình vẫn còn chút lăn tăn. Tôi nhớ, ngày bài báo xuất bản, vào lúc 2 giờ sáng, ông Hải nhắn tin nói đã đọc rất kỹ bài viết và đề nghị tôi sửa lại một câu vì chưa truyền đạt hết ý của ông nói.

Đến tận bây giờ, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn là một nhân vật có nhiều ý kiến trái chiều, không ít người nói ông đang làm màu. Nhưng tôi vẫn tâm niệm một điều rằng, ông Hải "làm màu" cũng được. "Làm màu" mà giúp được cho nhiều người vẫn là điều đáng quý. Tôi trân trọng con người này và trân trọng những việc ông đang làm.

"Người đàn bà xứ chè" chống tiêu cực tới cùng

Tình cờ tôi đi giảng dạy ở tỉnh Thái Nguyên, nhiều học viên ấm ức, có nữ phóng viên còn gạt nước mắt “xin thầy” ra tay vụ chị Vũ Thị Thương Huyền bị oan ức kinh khủng lắm. Chị là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ đã 15 năm. Chống tiêu cực hăng hái đến mức tố cả những vi phạm của lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo Đảng ủy nơi chị công tác…

    Những vị khách đặc biệt của Dân Việt - Ảnh 6.

    Tác giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Phó Chủ tịch huyện Sông Cầu Vũ Thị Thương Huyền. (Ảnh: NVCC)

Chưa hết, chị còn tố bà Chủ tịch Hội Phụ nữ cắm thẻ Đảng viên đi vay nặng lãi, giang hồ đến thổi kèn đánh trống đám ma uy hiếp tại Ủy ban. “Người hùng chống tiêu cực” này đã được Báo Thái Nguyên đăng mấy bài ca tụng. Thế rồi, “đấu tranh thì tránh đâu”.

Thú thật, vụ việc của chị phức tạp, rối rắm khiến chúng tôi tìm hiểu cả năm trời, ghi âm, ghi hình, đối chất đủ trò, mà vẫn mông lung chưa tìm ra bản chất vấn đề. Chúng tôi đã đi cùng cả hành trình đằng đẵng để “khai quật” các tầng tinh vi của trò được coi là trù úm kia.

Chúng tôi đã tìm hiểu qua mấy thế hệ cán bộ thị trấn ấy. Họ đều nói họ làm đúng, họ bỏ phiếu đàng hoàng, công khai, loại chị Huyền ra khỏi quy hoạch lãnh đạo, liên tục các lần bỏ phiếu chị cũng bị xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Cả Ủy ban bầu, đưa lên cả huyện duyệt, so đi so lại, chả thấy khuất tất tí nào. Cái gì cũng đưa ra cuộc họp và bỏ phiếu cả.

Tôi hỏi, chị Huyền oan ở đâu, chị Huyền khóc và viết tâm thư cho Bí thư Tỉnh ủy muốn quyên sinh vì thất vọng. Song chị cũng không biết họ làm sai ở đâu, chỉ thấy mình bị đối xử vô lý, bất công. 

Các Đảng viên 50 năm tuổi Đảng, các ông 2 khóa làm Chủ tịch rồi Bí thư thị trấn đều có đơn bảo chị Huyền bị xử ác, bị trù úm, oan khuất. Chúng tôi lấy ý kiến vô số người dân và Đảng viên, tất cả đều chung nhận định về nỗi oan của chị Huyền.

Từ niềm tin nội tâm đó, chúng tôi quyết đi tới cùng. Chúng tôi nhờ chuyên gia phân tích quy định của Chính phủ, quyết định của Chủ tịch huyện Đồng Hỷ, phương pháp cách bỏ phiếu, đánh giá tư cách đạo đức... Chúng tôi cũng có cuộc đối thoại với ông Chung, Chủ tịch UBND thị trấn và từ đó lộ ra quá nhiều cái sai.

Sau đó, PGS.TS của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lên tiếng. Một số ĐBQH có ý kiến gửi về địa phương. Thanh tra vào cuộc. Giữa bối cảnh đó, ông Chủ tịch thị trấn trước khi bị điều chuyển ký văn bản đề nghị công an điều tra vị Phó Chủ tịch thị trấn (chị Huyền) về dấu hiệu “lợi dụng chức vụ…”.

Chị Huyền nhiều năm xắn quần đi khôi phục thương hiệu Chè Sông Cầu nổi tiếng một thời. Chị tử tế cả đời mà bị oan ức đến mức bị stress, phải nhập viện cả tháng và liên tục nghĩ đến chuyện quyên sinh để chứng minh mình trong sạch...

Lại mất ăn mất ngủ, khóc lóc, tuyệt vọng. Sau bao lần gọi hỏi, “căng như dây đàn” với điều tra viên, sau quá trình chị Huyền tự bảo vệ mìn, cuối cùng, công an huyện Đồng Hỷ đã phải chính thức có Thông báo không khởi tố vụ việc.

Cuối cùng, chị Huyền được minh oan. Huyện tuyên bố hủy kết quả “Không hoàn thành nhiệm vụ” trong nhiều tháng liền mà Phó Chủ tịch thị trấn Vũ Thị Thương Huyền bị xếp loại. Một số cán bộ “to tiếng” trong vụ việc của chị Huyền đã “trượt” trong các lần bầu bán, ông Chủ tịch UBND thị trấn được điều chuyển công tác...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem