Sau gần 1 giờ đi xe máy, chúng tôi đặt chân đến vùng lòng hồ thuỷ điện Hủa Na. Trước mắt chúng tôi là đại công trường đang hối hả thi công. Những bản làng tựa lưng vào vách núi, ẩn hiện trong mây. Hai bên bờ sông Chu, hoa chạc chìu phơn phớt tím như ngàn cánh bướm dập dìu khoe sắc. Các già bản nói rằng, từ trước đến giờ chưa khi nào hoa chạc chìu nở sớm thế. Có lẽ hoa hiểu lòng người nên nở sớm thay cho lời tiễn biệt.
Quyến luyến bản cũ
Chủ tịch UBND xã Đồng Văn- ông Lang Văn Tuần cho biết, 577 hộ của 6 bản xã Đồng Văn và 790 hộ của 8 bản xã Thông Thụ sẽ di dời đến nơi tái định cư mới ở Piêng Pùng, Huôi Muồng, Na Quèn, Xốp Hinh, Nong Đanh (xã Đồng Văn), Nậm Cò, Nậm Piêng, Nậm Hinh, (xã Tiền Phong) bản Lốc (xã Thông thụ). Bao đời sống bên nhau, giờ kẻ ở, người đi không buồn sao được.
Công trình thuỷ điện Hủa Na khởi công ngày 28-3-2008, có tổng công suất 180MW; tổng vốn đầu tư 4.255 tỷ đồng; dự kiến sẽ hòa lưới điện quốc gia trong quý IV năm 2011, với sản lượng điện hơn 700 tỷ kWh/năm.
Xã đặc biệt khó khăn Đồng Văn, Thông Thụ có 3 dân tộc anh em Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống. Đồng bào chủ yếu phát nương làm rẫy, đánh bắt cá trên sông, chăn nuôi và dệt thổ cẩm.
Nhờ Chương trình 135 đầu tư, cuộc sống người dân đã nhiều khởi sắc. Trường học, trụ sở UBND xã... được nâng cấp. Nhiều hộ trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng... thu nhập mỗi năm từ 15-30 triệu đồng. Hầu hết các hộ ở dọc sông có điện thắp sáng nhờ thuỷ điện mini.
Cụ Lang Văn Quyến, người cao tuổi nhất bản Hủa Na, xã Thông Thụ tâm sự: “Từ bao đời nay người Thái, người Kinh, người Khơ Mú sống quây quần, gắn bó với nhau bên con sông này. Nay nhà nước ngăn sông, xây dựng thuỷ điện để đưa ánh sáng đến cho muôn nhà, bà con đều vui vẻ di dời.
Ta cũng đã đi thăm nơi ở mới, chắc chắn là tốt hơn nơi ở cũ. Tương lai con cháu sẽ có điều kiện phát triển hơn”. Hỏi một số thanh niên, Lang Văn Thông, bản Hủa Na cho biết: “Chúng em thích về gần thị trấn, sẽ học hỏi được nhiều cái hay nhưng đi thì nhớ lắm, nhớ từng ngõ nhà, ngọn núi, con sông. Nhớ những đêm đi xèo (chọc sàn tán gái)...”.
Đồng Văn, Thông thụ có 8 trường học, gồm mầm non, tiểu học và THCS. Phần lớn giáo viên đều ở dưới xuôi lên đây gieo chữ. Giờ được chuyển ra gần hơn, ai cũng mừng.
Vận hội mới
Công trình thuỷ điện Hủa Na đang hối hả thi công, 14 bản của Đồng Văn, Thông Thụ mai này sẽ chìm sâu xuống lòng hồ gần 200m nước mà nao nao lây nỗi niềm xa xứ. Nhưng, cuộc chia tay lần này mở ra vận hội cho đồng bào. Đến nơi ở mới, đồng bào được mang ngôi nhà sàn đi theo.
Ai không có nhà sẽ được cấp nhà, cấp đất ở, cấp đất vườn, đất trồng trọt, được hỗ trợ vốn, hướng dẫn làm ăn... Có điện lưới, nước sạch sinh hoạt; trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá, bưu điện được xây dựng kiên cố, khang trang; đường giao thông thuận tiện...
Nhưng điều trăn trở, đó là nhiều ngôi nhà sàn cổ đã bị bà con bán trước khi về quê mới. Những bản làng, với bao tên núi tên sông, tên nương, tên rẫy, những lễ hội ném còn, lễ thần sấm thần mưa, những điệu khèn, điệu xuối của trai gái tình tự thâu đêm… sẽ chỉ còn trong ký ức.
Dòng sông Chu vẫn chảy. Thuỷ điện Hủa Na hoàn thành sẽ mở ra vận hội mới cho Nghệ An nói chung và Quế Phong nói riêng trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng tây Nghệ An...
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.