Tại nhiều điểm trường vùng cao, xuân không chỉ đến qua sắc hoa đào thắm, mà còn qua những đổi thay khi những ngôi trường kiên cố được trao tặng. Những "Điểm trường mơ ước" đã và đang được hiện thực hóa nhờ sự kết nối của Báo NTNN/Dân Việt và tấm lòng của các nhà hảo tâm, đem đến niềm tin và hy vọng cho thế hệ tương lai.
Điểm trường Nậm Vì thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Chung Chải 2, ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, được thành lập năm 2014. Đây là nơi ươm mầm tri thức cho những học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Ngày đầu lập điểm, nhà trường phải vận động người dân cùng chung tay xây dựng lớp học. Hai phòng học ban đầu được làm từ vách nữa trát bùn đất, với mái lợp bằng tôn.
Năm năm gắn bó với điểm trường Nậm Vì, thầy Cà Văn Sinh – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải 2 vẫn nhớ như in hình ảnh ngày đầu lên nhận lớp: "Đó là vào năm 2020, mình lên nhận lớp vào đúng ngày mưa gió, đường sá lầy lội, còn điểm trường thì dột nát, lớp học đầy phân dê. Nhìn nơi những đứa trẻ ngồi học mà lòng tôi xót xa".
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Tổng Biên Tập Báo NTNN/Dân Việt trao tặng, bàn giao “Điểm trường mơ ước” Nậm Vì vào tháng 4/2024. Trọng Tuấn
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, trải qua thời gian, điểm trường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Những vách tường xây bằng bùn đất bị bung lở, khi trời mưa nước xối xả chảy vào trong lớp học. Phía trên mái, tấm tôn lợp cũng hoen gỉ, nước cũng chảy ròng theo những vết hở xuống từng trang sách vở của các em. Vì vậy, nếu trời mưa nhỏ thì thầy Sinh dồn chỗ ngồi của học sinh lại, tránh những nơi bị mưa dột, nhưng khi trời mưa to thầy buộc phải cho các em nghỉ học để đảm bảo an toàn.
"Những ngày mùa đông, mưa gió tê buốt, tỉ lệ chuyên cần của học sinh bị giảm. Điều này một phần vì lớp học không đảm bảo, các em ở nhà đã thiếu thốn, đến trường cũng không được đầy đủ, ấm áp. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên đi đến nhà dân vận động gia đình, học sinh để các cháu đến trường đầy đủ" – thầy Sinh chia sẻ.
Ở nơi khác, cô trò của điểm trường Co Sáy thuộc Trường Mầm non Hương Xoài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cũng phải dạy và học trong sự thiếu thốn nghiêm trọng: không nhà vệ sinh, không bếp, không nước. Chia sẻ về những khó khăn của điểm trường này, cô giáo Lò Thị Hương tâm sự: "Vì điểm trường nằm trên khu vực núi cao nên không có nước. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, các phụ huynh phải thay phiên nhau đi lấy nước từ rất xa".
Lễ bàn giao “Điểm trường mơ ước” Abaanh 1 thuộc Trường mầm non liên xã Tr'hy (Quảng Nam). Viết Niệm
Điểm trường nhỏ chỉ có một phòng học duy nhất được dựng lên từ những tấm vách ngăn bằng tôn, xốp. Thiếu nước đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học của cô trò. Cô Hương phải sử dụng nước tiết kiệm nhất, trong khi điểm trường cần lượng nước lớn mới đủ chăm sóc cho các em nhỏ. Bởi các em đang ở độ tuổi cần khám phá thế giới xung quanh để phát triển toàn diện. "Điểm trường không có nhà vệ sinh nên nếu các con cần đi vệ sinh sẽ phải đi nhờ ở nhà những hộ dân gần đó. Tôi rất thương các con vì những bất tiện này, nhưng đây là điều mà các con đã phải làm quen từ khi đi học ở đây" - cô Hương cho hay.
Cùng chung hoàn cảnh với các điểm trường Nậm Vì, Co Sáy, từ năm 2023 đến nay, cô trò điểm trường Abaanh 1 thuộc Trường mầm non liên xã Tr'hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cũng đang phải đi học nhờ lớp của cấp tiểu học. Phòng học ở đây chật hẹp, không đủ diện tích để cho trẻ hoạt động vui chơi. Những cánh cửa lớp bị vỡ kính, tường bong tróc từng mảng. Không có phòng vệ sinh, các em học sinh mầm non phải đi vê sinh chung với các anh chị tiểu học, vì vậy cũng ảnh hưởng đến việc bán trú cho trẻ hằng ngày. Các đồ dùng, đồ chơi tại điểm lớp chưa có, những món đồ trang trí đơn giản thì các cô giáo nơi đây cũng tự trích tiền lương của mình để mua nguyên vật liệu về làm.
Sự thiếu thốn của cô trò trong những điểm trường xuống cấp, sự hi sinh, cống hiến của thầy cô cắm bản với mong muốn mang đến nguồn tri thức cho những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… đã thôi thúc Báo NTNN/Dân Việt kêu gọi, kết nối xây dựng những điểm trường mơ ước.
Điểm trường thắp sáng những ước mơ
Đầu năm 2024, lễ khởi công xây dựng điểm trường mơ ước dành tặng thầy trò điểm trường Nậm Vì (Điện Biên) được tổ chức. Từ những viên gạch, viên đá đầu tiên được đặt xuống đã thắp sáng hi vọng cho thầy trò nơi đây. Sau 4 tháng xây dựng, ngày 16/4/2024, lễ khánh thành "Điểm trường mơ ước" bản Nậm Vì được tổ chức trong không khí vui tươi và trang trọng. Điểm trường được xây mới với 2 phòng học khang trang là nơi học tập của các em học sinh lớp 1, lớp 2 - con em đồng bào của bản.
Đây là điểm trường thứ 80 được Báo NTNN/Điện tử Dân Việt kết nối xây dựng trong hành trình "Sát cánh cùng nông dân Việt". "Điểm trường mơ ước" bản Nậm Vì đã ghi dấu ấn đẹp nhân dịp kỷ niệm 40 năm Báo NTNN phát hành số báo đầu tiên, chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Điểm trường Nậm Vì rực rỡ khi mùa xuân sang. Trọng Tuấn
"Ngày trước điểm trường tạm bợ, mất an toàn, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy trò. Giờ đây, có điểm trường mới đẹp, có sân chơi, phụ huynh và bà con dân bản vui lắm. Họ yên tâm đưa con đến lớp, vì thế, tỉ lệ chuyên cần của điểm trường được đảm bảo" – thầy giáo Trịnh Văn Lập – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải 2 vui mừng cho hay.
Tháng 11/2024, Điểm trường Co Sáy cũng chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng. Bên cạnh lớp học mới khang trang, cô trò nơi đây nhận được thêm sự hỗ trợ về nguồn nước, ti vi và các đồ dùng hỗ công tác dạy và học.
Cô Phạm Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Xoài bộc bạch: "Mọi thứ cứ như một giấc mơ! Khoảng nửa năm trước, điểm trường còn thiếu thốn đủ bề, vậy mà lúc này cô trò chúng tôi đã có một cơ ngơi khang trang với đầy đủ vật dụng, hệ thống nước, ti vi, tủ sách, khu vui chơi... cho các con. Nhìn các con đến lớp vui vẻ, chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Mong rằng ngày càng có nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nhiều điểm trường khác có được ngày vui như cô trò chúng tôi".
Học sinh điểm trường Nậm Vì cùng trang trí cây mai đón xuân về trong những phòng học mới. Trọng Tuấn
Ngày 12/8/2024, Báo NTNN/Dân Việt tổ chức lễ khởi công "Điểm trường mơ ước" Abaanh 1 thuộc Trường mầm non liên xã Tr'hy (Quảng Nam). Khi dải băng đỏ khánh thành được gỡ xuống để trao tặng, bàn giao một điểm trường kiên cố với 2 phòng học khang trang, đã khiến thầy cô, học sinh, phụ huynh và người dân ở thôn Abaanh 1 xúc động. Sau hơn 1 thập kỷ, Trường mầm non liên xã Tr'hy chính thức có điểm trường riêng của mình. Từ nay, cô trò nhà trường sẽ không phải chịu cảnh học nhờ thiếu thốn.
"Mọi thứ cứ như một giấc mơ! Khoảng nửa năm trước, điểm trường còn thiếu thốn đủ bề, vậy mà lúc này cô trò chúng tôi đã có một cơ ngơi khang trang với đầy đủ vật dụng, hệ thống nước, ti vi, tủ sách, khu vui chơi... cho các con".
Cô Phạm Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Xoài
Đón nhận tình cảm của Báo NTNN/Dân Việt và các nhà hảo tâm gửi trao, cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non liên xã Axan-Tr'hy xúc động nói: "Những tình cảm yêu thương của Báo NTNN/Dân Việt dành cho cô trò nhà trường là động lực lớn cho các cháu mỗi ngày đến trường, đem lại hạnh phúc và tương lai về sau cho các con em đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới huyện Tây Giang. Các cháu vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về vật chất, sự hỗ trợ của quý báo và các nhà hảo tâm là niềm động viên lớn lao, giúp cải thiện môi trường học tập an toàn, tiếp thêm động lực cho các cháu vươn lên trong học tập".
Giờ đây, khi mùa xuân đang về trên khắp mọi miền đất nước, một "mùa xuân" nhiều niềm vui và ý nghĩa cũng đã về với cô trò các điểm trường vùng cao, khi những ngôi trường mới kiên cố được đưa vào sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.