Ninh Bình: Cán bộ, hội viên nông dân thăm quan mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại Nho Quan
Ninh Bình: Cán bộ, hội viên nông dân thăm quan mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại Nho Quan
Vũ Thượng
Thứ tư, ngày 22/05/2024 10:45 AM (GMT+7)
Ngày 21/5, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức cho hơn 50 cán bộ, hội viên nông dân thuộc 3 xã Khánh Hòa, Khánh Công, Thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) đi thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện môi trường tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình).
Thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".
Đoàn cán bộ, hội viên nông dân thuộc huyện Yên Khánh đã đến thăm các mô hình tiêu biểu áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Cụ thể, mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi tại xã Thạch Bình; mô hình nuôi sâu canxi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày tại thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan).
Ông Trần Khánh Huy (xã Thạch Bình) cho biết: "Tôi thấy nuôi bò theo tập quán cũ chăn thả tự nhiên hiệu quả không cao, bởi thế tôi đã tìm hiểu kỹ thuật lên men từ phụ phẩm cây trồng nhằm bổ sung thêm nguồn thức ăn cho đàn bò".
"Kể từ khi đàn bò gia đình cho ăn kết hợp giữa thức ăn thô xanh và thức ăn lên men, quan sát con bò nào cũng sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, chất thải của bò không còn mùi khó chịu như trước", ông Huy thông tin.
Còn ông Vũ Thế Lực chia sẻ cùng đoàn thăm quan như sau: "Trước đây, tôi nuôi gà thường phát sinh mùi hôi của chuồng trại, gà dễ bị bệnh, chậm lớn...Sau khi được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai tập huấn về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, tôi thấy phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình".
Theo ông Lực, việc tiến hành cải tạo lại chuồng gà để đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm, trấu, lá cây…tạo lớp đệm lót sinh học dày. Đồng thời, tận dụng nguồn thức ăn thừa kết hợp mua thêm bã bậu giá rẻ để nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà, cá rất hiệu quả.
Qua đó, chi phí để nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà rẻ hơn rất nhiều so với mua cám công nghiệp. Tôi nhận thấy đàn gà được ăn sâu canxi, nuôi trên đệm lót sinh học dày lớn nhanh, khỏe, chất lượng thịt thơm ngon.
Cũng tại các mô hình, đại diện Ban Quản lý Dự án tỉnh và cán bộ, hội viên nông dân các địa phương đang thực hiện Dự án đã tích cực trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật trong việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ.
Đây là dịp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, nông dân. Qua đó nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.