Ninh Bình: Có một "thành phố mù sương" nhưng không hề mơ mộng

Thứ hai, ngày 23/07/2018 08:57 AM (GMT+7)
Đó là cách gọi ví von của nhiều người khi đến làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) bởi nơi này luôn "được" bao phủ bởi lớp bụi mờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Bình luận 0

Cách thành phố Ninh Bình chừng 5 km về phía Nam, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân trên 400 năm tuổi nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Ngay từ cầu Yên đoạn rẽ vào xã Ninh Vân chúng tôi đã được “tận hưởng” làn bụi mịt mùng bởi hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm.

Từ xa dễ thấy hai bên đường, những bãi đá ngổn ngang, nhiều hố nước thải tạm bợ trong quá trình sản xuất được đào nham nhở khắp thôn xóm. Môi trường lao động không đảm bảo an toàn, nhiều công nhân chế tác đá không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính khẩu trang.

Điều dễ nhận thấy khi bước chân đến đây là một thứ âm thanh chát chúa, hỗn tạp được phát ra từ máy mài, cưa, xẻ, tiếng đục đẽo, tiếng máy nghiền đá,… khiến bầu không khí đặc quánh ô nhiễm.

img

Việc nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) phát triển mạnh đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương, tạo nên diện mạo nông thôn mới ở vùng quê này. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, từ năm 1990, mô hình sản xuất cá nhân phát triển ngày càng mạnh và tạo nhiều việc làm cho người nông dân. Năm 2004, địa phương đã tiến hành quy hoạch 23 ha xây dựng khu sản xuất của làng nghề. Năm 2013, quy hoạch giai đoạn 2 khu sản xuất này đang tiếp tục được triển khai.

Hiện nay, xã có khoảng trên 80 DN, HTX, cơ sở sản xuất, thu hút 3.000 lao động (chiếm 53% tổng số lao động của địa phương) làm việc trong lĩnh vực này với mức thu nhập từ 100.000 - 500.000 đồng/người/ngày.

Mặc dù cho nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với nghề làm ruộng, nhưng nghề đá tiềm ẩn không ít rủi ro với những NLĐ ở xã này. Các nhà xưởng ở đây thường không tuân thủ những quy định về an toàn lao động (ATLĐ), ít quan tâm đến việc tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) được khám sức khỏe định kỳ.

img

Ngoài ra, môi trường lao động không đảm bảo an toàn, nhiều công nhân chế tác đá không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính, khẩu trang. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Khi được hỏi về việc chủ sử dụng lao động (SDLĐ) có quy định hay chế độ nào liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe cho NLĐ hay không, hầu hết những NLĐ được hỏi đều cho biết: “Ai sợ bụi, sợ xây xước tay chân thì tự mua khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ lao động (BHLĐ) cho mình”.

Cảnh NLĐ ít mang các phương tiện BHLĐ như khẩu trang, găng tay diễn ra phổ biến ở tất cả các cơ sở sản xuất. Ngay chuyện đeo khẩu trang, một thao tác vô cùng đơn giản giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình, nhưng không phải NLĐ nào cũng thực hiện. “Xưởng không có quy định NLĐ khi làm việc phải đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ, nên ai thích đeo thì đeo, ai không thích đeo thì thôi”, một lao động trẻ cho biết.

img

Lớp bụi đá màu trắng đục bao phủ làng Ninh Vân, nhất là trong những ngày hè nắng nóng, oi bức. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

img

Các công nhân làm việc hàng ngày trong môi trường khói bụi và tiếng ồn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trước thực trạng trên, năm 2004 UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 23 ha thuộc 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành, được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn I có diện tích 11 ha đã được đầu tư xây dựng và sau khi hoàn thành sẽ triển khai tiếp.

Ban đầu, dự án được kỳ vọng sẽ đưa hết toàn bộ số hộ làm đá ra sản xuất tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua mới chỉ có 70/500 hộ chuyển đến sản xuất tại làng nghề mới. Giai đoạn II của dự án dù đã được quy hoạch từ lâu nhưng chưa thể triển khai?

P.V (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem