Ninh Bình: Tiêm vaccine đầy đủ, đàn gà vẫn nhiễm bệnh chết hàng loạt, nông dân mòn mỏi chờ hỗ trợ
Ninh Bình: Tiêm vaccine đầy đủ, đàn gà vẫn nhiễm bệnh chết hàng loạt, nông dân mòn mỏi chờ hỗ trợ
Trần Quang
Thứ hai, ngày 24/06/2024 11:07 AM (GMT+7)
Dù đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng đàn gà của ông Trần Văn Nhiệm ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) vẫn nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến gia đình ông bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau nhiều tháng gặp sự cố, đến nay hộ dân này vẫn mòn mỏi chờ hỗ trợ để trả nợ, tái đàn tiếp tục chăn nuôi.
Dù đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng đàn gà của ông Trần Văn Nhiệm ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) vẫn nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến gia đình ông bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nông dân thiệt hại nặng
Sau khi gặp sự cố chăn nuôi, đến giờ đã nhiều tháng trôi qua nhưng ông Trần Văn Nhiệm ở xóm Giải Cờ, xã Yên Đồng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Nhiệm cho biết, nhiều năm chăn nuôi nhưng chưa khi nào gia đình ông bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm như đợt Tết Nguyên đàn năm 2024.
"Ngày giáp Tết, mọi người đang chuẩn bị mua sắm đồ lễ, trang hoàng nhà cửa để đón xuân thì nhà mình phải lo cứu đàn gà nhưng càng chạy chữa vật nuôi càng chết nhanh hơn. Chỉ sau vài ngày từ 30 đến mùng 3 Tết, hàng trăm con gà lăn ra chết hàng loạt, thê thảm lắm!", ông Nhiệm buồn rầu kể lại.
Ông Nhiệm cho biết thêm, sau khi gia đình ông báo cán bộ thú y đến kiểm tra và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm ở Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương mới ra kết quả đàn gà bị cúm gia cầm H5N1 khiến ông rất bất ngờ.
"Đàn gà hơn 1.800 con của tôi được chăm sóc theo hướng an toàn sinh học dưới chân núi, có nhiều bóng cây cổ thụ rất trong lành, mát mẻ. Hơn nữa gà của gia đình đã được cán bộ thú y xã hỗ trợ tiêm vaccine cúm gia cầm đầy đủ, cẩn thận nhưng vẫn bị nhiễm bệnh, thậm chí khi vật nuôi bị bệnh chết rất nhanh. Đàn gà của tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn chờ ra Tết sẽ được xuất bán nhưng buộc phải tiêu hủy hết. Đến giờ hàng trăm triệu đồng tiền cám, giống, thuốc... chưa biết khi nào vợ chồng tôi mới trả hết", ông Nhiệm ngậm ngùi.
Theo ông Nhiệm, sau khi đàn gà của gia đình ông bị nhiễm dịch bệnh, ông đã thực hiện việc khai báo dịch và phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy vật nuôi theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy khiến vợ chồng ông rất khó khăn, không có tiền để tái đầu tư tiếp tục chăn nuôi.
"Gia đình vẫn đang mong được hỗ trợ từng ngày để trả nợ và tái đàn tiếp tục chăn nuôi. Nếu nhà nước không hỗ trợ kịp thời sẽ càng làm cho chúng tôi nản lòng, khó gượng dậy sau sự cố", ông Nhiệm khẳng định.
Vẫn chờ hỗ trợ
Xác nhận với chúng tôi, ông Phạm Duy Đoàn, cán bộ thú y xã Yên Đồng cho biết, đàn gà của gia đình ông Nhiệm đã được tiêm vaccine cúm gia cầm chủng Re-5 (vaccine của Công ty CP AFARM-PV) khoảng tháng 11/2023. Tuy nhiên, đến 14/2/2024 tại hộ dân này lại nổ dịch cúm gia cầm H5N1.
"Sau khi có dịch, chúng tôi đã báo lên cấp trên và phối hợp với các đơn vị dập dịch và tiêm bao vây các hộ, trại chăn nuôi trên địa bàn để khống chế dịch. Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên đàn gà của gia đình ông Nhiệm", ông Đoàn khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho hay: "Đàn gà của ông Trần Văn Nhiệm ở xã Yên Đồng đã tiêm vaccine cúm chủng Re-5 nhưng vẫn bị dịch do nhiều nguyên nhân, có thể do cúm gia cầm đã biến chủng hoặc do kỹ thuật tiêm, quá trình bảo quản vaccine không đảm bảo. Thậm chí dịch xảy ra còn do môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh...".
Khi phóng viên hỏi thêm: "Vì sao đàn gà của gia đình ông Trần Văn Nhiệm ở xã Yên Đồng đã tiêm vaccine H5N1 đầy đủ mà vẫn bị nhiễm bệnh và chết rất nhanh? Chất lượng vaccine có đảm bảo không?", ông Sơn cho biết: "Khoảng năm 2019, huyện Yên Mô được cấp vaccine cúm của Navetco (Công ty Navetco) nhưng trong quá trình tiêm thấy không phù hợp nên từ năm 2021 đến nay, địa phương đã đề nghị cấp trên đổi và chuyển sang sử dụng vaccine khác cho thấy hiệu quả và phù hợp hơn".
"Năm 2024 tại địa phương vẫn có dịch nhưng chỉ là các điểm dịch nhỏ và được xử lý khoanh vùng, dập dịch rất nhanh, hiệu quả. Đến nay, chúng tôi vẫn thống nhất mua và sử dụng vaccine Re-5 để tiêm cho gia cầm. Hàng năm, Yên Mô triển khai tiêm vaccine khoảng 1,5 triệu liều", ông Sơn khẳng định.
Đối với vấn đề hỗ trợ tiêu hủy cho các hộ chăn nuôi bị dịch, ông Sơn cho biết, ngay sau khi xảy ra dịch, địa phương đã thống kê số lượng đàn vật nuôi bị dịch phải tiêu hủy và gửi về tỉnh để xem xét cơ chế hỗ trợ cho người nuôi. "Đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ tỉnh xem xét cơ chế hỗ trợ để bà con vơi bớt khó khăn", ông Sơn nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.