Níu giữ làng quê yên bình bằng múa

Thứ hai, ngày 21/01/2013 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sương sớm”- vở múa phác họa về một bức tranh tuyệt đẹp níu giữ những vẻ đẹp của làng quê Nam Bộ đang biến mất dần trong cuộc sống công nghiệp sẽ được trình diễn tại Hà Nội vào ngày 22.1.
Bình luận 0

PV NTNN đã trò chuyện với đạo diễn Tấn Lộc.

Xin anh chia sẻ nội dung của vở diễn, cũng như êkip thực hiện và điểm nhấn của chương trình này?

- Với kết cấu 7 phần, “The Mist – Sương sớm” là một chương trình biểu diễn múa đương đại độc đáo, một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống sinh hoạt của làng quê miền Nam. Điều ít nhiều đang mất dần trong cuộc sống công nghiệp nhiều lo toan, bộn bề của xã hội hiện đại. Chương trình có sự tham gia của NSƯT Ngô Thụy Tố Như, Ngọc Khải và nhóm múa Arabesque cùng với Hải Anh và Hữu Thuận cùng các nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nghệ sĩ cải lương Hồng Thắm…

img
 

“Sương sớm” kể về một buổi sáng trong sương sớm của người nông dân, với những công việc thường ngày quen thuộc như ra đồng làm lúa, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ sớm… và đó cũng là điểm nhấn của vở múa được thể hiện thông qua chất liệu đương đại như hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, thậm chí cả mùi vị (đúng theo nghĩa đen của nó), cùng với những trang phục mộc mạc, giản dị, những đạo cụ quen thuộc là đòn gánh, lúa, gạo, hương vòng, guốc, chuông chùa, lá dừa nước… được kết hợp với ngôn ngữ hình thể để mang tới cho khán giả những cảm xúc mà họ đã từng có, nhưng để quên đâu đó trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

Và để chuẩn bị cho đêm diễn duy nhất tại Hà Nội, anh cũng như cả êkip đã chuẩn bị như thế nào? Đặc biệt vào thời điểm Hà Nội đang giá rét?

- Tôi nghĩ việc khó khăn nhất chính là vận chuyển đạo cụ từ TP.Hồ Chí Minh ra an toàn và nguyên vẹn, bởi chúng tôi muốn đảm bảo tính chân thực và cảm xúc nhất cho vở diễn. Từ những tàu lá dừa nước, đặc trưng của Nam Bộ chúng tôi cũng rất vất vả khi vận chuyển bằng ô tô bởi phải giữ làm sao để cho nó tươi và không bị giập nát cho đến những vòng hương lớn đường kính tới 1,5m cũng phải rất cẩn thận để không bị gãy nát. Hay là những món quà vặt đặc sản của những vùng đất miền Tây Nam Bộ như là bánh bò, bánh dừa… chúng tôi cũng phải tính kỹ là sẽ mang bằng đường hàng không vào sáng hôm biểu diễn.

img
Cảnh trong vở múa “Sương sớm”.

“Sương sớm” lần đầu tiên đến với khán giả Hà Nội là một cơ duyên của đoàn múa Arabesque, và chúng tôi hạnh phúc khi thấy những người đồng hành như vị khách hàng đã giúp chúng tôi trang trải kinh phí di chuyển của cả đoàn múa từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Bên cạnh đó những người bạn đến từ Dream Studio và họa sĩ Đinh Công Đạt đã làm cho công việc chuẩn bị của chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Với cái lạnh của Hà Nội, đoàn múa Arabesque sẽ cố gắng “sưởi ấm” khán giả bằng những gì sẽ diễn ra trên sân khấu.

Lý do nào anh lại chọn đề tài là cuộc sống, sinh hoạt của những người nông dân mà không phải là những đề tài về tình yêu, cuộc sống người thành phố?

- À đó cũng như một cơ duyên vậy. Tôi còn nhớ lần đầu được mời biểu diễn trong liên hoan múa đương đại tại Deagu Hàn Quốc năm 2011, chúng tôi chuẩn bị vở “Sương sớm” với thời lượng chỉ có 20 phút nhằm mục đích giới thiệu cho người nước ngoài biết về Việt Nam cũng như hình ảnh về làng quê yên bình của chúng ta, những hình ảnh của người nông dân cần cù, chăm chỉ. Sau đợt lưu diễn đó, khi về Việt Nam, chúng tôi suy nghĩ và quyết định sẽ hoàn thiện một vở với thời lượng dài 75 phút và giới thiệu đến khán giả ở TP.HCM với mong muốn ký ức về cuộc sống làng quê trong lành, tràn đầy những kỷ niệm. Tôi nghĩ mỗi thứ mất đi sẽ là những thứ không bao giờ trở lại, nên chúng tôi chỉ muốn thông qua “Sương sớm” để chia sẻ với khán giả về những ký ức đẹp đẽ về làng quê trong tâm hồn mỗi chúng ta đã từng may mắn có được trong cuộc sống.

“Chúng tôi chỉ muốn thông qua “Sương sớm” chia sẻ với mọi người về những ký ức về làng quê đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi chúng ta đã từng may mắn có được trong cuộc sống”.

Để có những truyền tải, tốt nhất về đời sống, sinh hoạt của người nông dân, êkip đã có những buổi dã ngoại như thế nào, mục sở thị ra sao khi đi về nông thôn? Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với anh trong những buổi đi thực tế đó?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là trong lần họp báo vừa qua tại Hà Nội. Khi chúng tôi bật những âm thanh của các con vật kêu trong buổi sáng sớm ở làng quê để đón tiếp nhà báo, thì người thủ đình (người trông coi) tại Kim Ngân, phố Hàng Bạc đã xúc động bảo với chúng tôi rằng, lâu lắm rồi ông mới được nghe lại những âm thanh đó.

Và ông đề nghị chúng tôi tặng một CD những âm thanh đó như một món quà tặng ông. Sự xúc động đó cũng giống như cảm giác của tôi khi đâu đó ở những làng quê hiện đại, vốn tràn ngập những nhà mái bằng, cột ăng ten, đồ vật hiện đại bỗng hiện ra một góc sân gạch nhỏ, với mái tranh và hàng dừa quen thuộc. Đó chính là những ký ức đã mất đi, và có thể sẽ không bao giờ trở lại.

Được biết trong vở “Sương sớm” sẽ có rất nhiều bản thu âm các tiếng kêu của các con vật, vậy anh đã thu âm bằng cách nào. Mỗi vở múa, âm nhạc cũng một phần tạo sự thành công cũng như gây ấn tượng đến với khán giả. Vậy thì âm nhạc trong “Sương sớm” được thể hiện như thế nào và gồm của những tác giả nào?

- Khoảng 60 âm thanh đồng quê (tiếng côn trùng, ếch nhái, tắc kè…) được chúng tôi nhờ chuyên gia mang máy móc về các vùng quê để thu âm và một số thì chúng tôi mua những thư viện âm thanh trên cộng đồng mạng. Tất cả những âm thanh của các con vật đó được chúng tối kết hợp với âm nhạc do nhạc sĩ Tôn Thất An và Đức Trí thực hiện đan xen âm hưởng truyền thống với điện tử, new age.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem