Nỗ lực làm tốt hơn vai trò đại diện cho nông dân

Thứ tư, ngày 19/06/2013 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 18.6, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN tổ chức họp báo về Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, với sự chủ trì của các Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều và Nguyễn Duy Lượng.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều đã thông báo với các phóng viên (PV) một số nội dung quan trọng liên quan đến Đại hội VI Hội NDVN.

Chủ động tham gia giải quyết khó khăn của ND

Các PV đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung, chương trình của Đại hội cũng như một số vấn đề thời sự “nóng” liên quan đến tam nông và vai trò của Hội NDVN.

img
Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều trả lời các câu hỏi của phóng viên.

PV Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều báo khác đặt câu hỏi: Đại hội VI đề ra những giải pháp nào để nâng cao vai trò, vị trí của Hội NDVN cũng như đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ ND? Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Đại hội VI là bàn giải pháp để Hội làm tốt hơn vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND. Qua nắm bắt của các cấp Hội ND, 9 nhóm vấn đề lớn của tam nông mà Hội NDVN có trách nhiệm tham gia giải quyết. Đó là, giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, trong khi đó giá bán nông sản phẩm bấp bênh khiến ND lãi ít, thậm chí là lỗ; giáo dục đào tạo ở nông thôn còn nhiều bất cập; đời sống vật chất, tinh thần của ND còn thấp, kém...

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay ở nông thôn là tình hình phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai, cụ thể là vấn đề thu hồi đất, đền bù, tái định cư, dạy nghề, tạo việc làm cho ND. Trong số đơn thư ND gửi đến T.Ư Hội NDVN yêu cầu hỗ trợ giải quyết thì có tới hơn 70% số vụ việc liên quan đến thu hồi, đền bù trong lĩnh vực đất đai. Sự bất cập của chính sách, cũng như việc thực thi pháp luật chưa đúng đã dẫn đến một số vụ việc đáng tiếc như cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên). Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ở các làng nghề, khu công nghiệp đang ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe của ND. ND cũng đang phải đối mặt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn trong lao động khi mỗi năm có hàng triệu tấn phân bón, thuốc BVTV được đưa ra đồng ruộng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng nói, qua thực tế cho thấy việc chỉ đạo của các bộ, ngành T.Ư đối với nông nghiệp, nông thôn chưa sát. “Hiện nay có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia mà mỗi bộ, ngành phụ trách 1-2 chương trình, đưa xuống nông thôn rất rối và tản mát. T.Ư Hội ND đã đề nghị nên đưa các chương trình mục tiêu về một đầu mối quản lý để tập trung nguồn lực hỗ trợ ND, giảm chi phí do bộ máy quản lý cồng kềnh”.

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân

Trả lời câu hỏi của các PV về vai trò của Hội ND trong việc định hướng, hướng dẫn hội viên, ND chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phải dựa trên cơ sở quy hoạch. T.Ư Đảng đã có 6 nghị quyết về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đối với 6 vùng của cả nước, trong đó đề cập việc phát triển nông nghiệp như thế nào ở mỗi vùng để không có tình trạng phá vỡ quy hoạch. Ví dụ như cây thanh long hiện nay đang mở rộng diện tích quá mức. Ở Bình Thuận quy hoạch có 8.000ha thanh long, nay diện tích đã vượt 20.000ha. “Bên cạnh việc quản lý quy hoạch chưa nghiêm còn do ND chỉ thấy cái lợi trước mắt nên mới có chuyện chặt cây này trồng cây khác.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN diễn ra từ ngày 30.6 đến 3.7.2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). 1.180 đại biểu chính thức tham dự đại hội, trong đó có 34 đại biểu là ND SXKD giỏi và ND tiêu biểu...

Ông Lượng cho rằng, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cần phối hợp đảm bảo đầu ra lâu dài cho nông sản, tập trung vào mặt hàng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường phải được làm tốt hơn. T.Ư Hội NDVN đã có kiến nghị với Chính phủ nên giao cho hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng ít nhất 500-1.000ha cánh đồng mẫu lớn, hạn chế dần tình trạng thu mua lúa gạo qua hệ thống thương lái thì mới đẩy được mức lãi của người trồng lúa lên…

Một số PV quan tâm tới chỉ tiêu dạy nghề cho 220.000 lao động nông thôn/năm được đề cập trong báo cáo trình tại Đại hội sắp tới, Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều khẳng định, chỉ tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn căn cứ vào năng lực và cơ sở vật chất của Hội trong tổ chức dạy nghề. Ông Điều thông tin, hiện, mỗi năm Hội đã trực tiếp dạy nghề cho 30.000 lao động; phối hợp dạy nghề cho 190.000 lao động nông thôn. “Hội chủ yếu dạy nghề nông nghiệp ngắn hạn, tại chỗ. Đối tượng học nghề là ND quá tuổi mà công ty, nhà máy tuyển dụng và đang trực tiếp làm nông nghiệp. Dạy nghề cho ND còn được Hội gắn với sự tương trợ kinh nghiệm của nhóm ND sản xuất kinh doanh giỏi; gắn với việc hình thành các liên kết sản xuất, mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể ở nông thôn” - Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều bổ sung thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem