Hiện châu Á đang chiếm một nửa số người từ 60 tuổi trở lên của thế giới, khoảng 400 triệu người. Nhưng đến năm 2050, con số trên sẽ tăng gấp ba lần, đạt đến hơn 1,2 tỷ người. Theo tính toán của LHQ, khi ấy thì cứ 4 người ở khu vực này, có 1 người 60 tuổi trở lên.
|
Mở nhà dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc người già là lĩnh vực sẽ thịnh ở châu Á trong tương lai |
Đổ xô vào thị trường nhà dưỡng lão
Trên toàn châu Á, các tập đoàn lớn đang nỗ lực chạy đua sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi. Trong khi đó, các công ty chăm sóc y tế đang có nguồn cầu cao. Ở Nhật Bản, các công ty vốn không liên quan lĩnh vực này đã nhảy vào tranh thị phần: từ năm 2005, Watami Co (chuyên về dịch vụ ăn uống) đã mở các nhà dưỡng lão, nguồn cầu ở đây rất cao vì Nhật Bản có số người cao tuổi đông nhất thế giới. Theo báo cáo năm 2009 của LHQ, gần 30% dân số Nhật có tuổi từ 60 trở lên.
Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cũng có tỷ lệ người già cao: tại Trung Quốc, số người 60 tuổi nay chiếm 13,3% trong tổng số 1,34 tỷ người (tỷ lệ này năm 2000 là 10,3%) và dự báo sẽ còn tăng nữa.
Đầu năm nay, Tân Hoa Xã đã có bài đề cập đến thử thách của các nhà dưỡng lão là thiếu số nhân viên điều dưỡng và phòng ở cho các cụ ông cụ bà. Hồi tháng 3.2012, nữ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã nói tại một diễn đàn ở Bắc Kinh: “Trung Quốc trong những năm tới cần có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề người cao tuổi ngày càng tăng nhanh”.
Hồi tháng 7.2012, IHH Healthcare Bhd, công ty dịch vụ bệnh viện lớn nhất châu Á, bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán ở Singapore và Malaysia. Và ngay đợt chào bán cổ phiếu đầu tiên (IPO), họ đã bán được 2 tỷ USD, trở thành công ty IPO lớn thứ 3 trên thế giới trong năm nay. Các nhà phân tích chứng khoán nhận xét IHH là một địa chỉ “ngon”, nên đầu tư lâu dài vì số người cao tuổi ở châu Á chỉ có tăng mà thôi.
Chạy đua thiết kế sản phẩm cho người già
|
Hiện tại, ở châu Á có 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên |
Cũng từ nhận thức có thể “phất to” từ dịch vụ bệnh viện và nhà dưỡng lão, các nhà thầu kỹ nghệ tập trung phát triển các sản phẩm và dịch vụ mà họ có thể bán cho các đơn vị chăm sóc người già. Kỹ sư Kevin Wong, người Quảng Châu, đã lập Công ty Ckicom Technology Ltd ở Hong Kong để thiết kế mẫu quần tã dành cho người già, có gắn thiết bị cảm ứng độ ẩm và một hệ thống không dây sẽ nối vào điện thoại di động hoặc máy điện toán để báo động với người điều dưỡng, rằng họ cần thay tã cho các cụ ông, cụ bà đang sống ở nhà dưỡng lão.
Chiếc tã CAREase có thể phát hiện sự ẩm ướt ở 3 mức khác nhau, giúp người điều dưỡng không phải thường xuyên kiểm tra tã của các cụ để biết có cần phải thay hay không. Wong nói tã này sẽ giúp họ nâng được chất lượng phục vụ.
Chiếc tã này có giá 1,20USD/chiếc, các nhà dưỡng lão sẽ cần mua (hoặc thuê) hệ thống không dây gồm thiết bị cảm ứng. Ví dụ với nhà dưỡng lão có 100 giường, họ sẽ tốn từ 5.000 đến 10.000USD. CAREase là 1 trong 12 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo giải thưởng thường niên cho sự sáng tạo của tờ Wall Street Journal.
Wong, 50 tuổi, từng có ý tưởng chiếc tã cảm ứng độ ẩm dành cho em bé hồi 30 năm trước, nhưng ông không bám ý tưởng này và từ 30 năm qua làm việc cho một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử.
Nhưng cách đây 5 năm, một người bạn học cũ sống ở Mỹ gọi điện nhắc lại ý tưởng ấy, cho biết các nhà dưỡng lão sẽ rất cần loại tã ấy. Sau gần một năm nghiên cứu, Wong nghỉ việc, lập Ckicom năm 2008 để thiết kế chiếc tã. Thử thách là phải có một sản phẩm tiện mặc, giá cả phải chăng và đạt được tính kỹ thuật cảm nhận được độ ẩm.
Tiềm năng của chiếc tã hiện đang tăng, do Hong Kong dự báo tỷ lệ người già trên 65 tuổi sẽ tăng từ 12% năm 2006 lên 26% vào năm 2036. 5 nhà dưỡng lão ở Hong Kong đang sử dụng thí điểm tã CAREase, trong khi nhà phân phối của Ckicom ở Đài Loan đã nhận được đơn đặt hàng 100.000 chiếc tã.
Ckicom cũng đã lập văn phòng tại Tokyo, dự báo sẽ đạt món lợi nhuận 1 triệu USD trong năm nay. Họ đã có thị trường ở Hong Kong, Đài Loan và Nhật Bản, nhưng Ckicom cũng muốn có chân ở châu Âu, Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.