Nỗi ám ảnh chiều cao của người đẹp

Thứ hai, ngày 05/12/2011 18:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù đã trải qua 2/3 chặng đường để tìm ra người đăng quang ngôi vị Hoa hậu các dân tộc Việt Nam vào ngày 10.12 tới, nhưng hầu như cả 61 người đẹp vẫn luôn lo ngại, sợ phải “ra về tay không” vì chỉ số chiều cao không đạt được như mong ước.
Bình luận 0

Nhờ... ăn gian chiều cao

Ngoài những điều kiện khác, yêu cầu từ Ban tổ chức về chỉ số chiều cao cho Cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu các dân tộc chỉ ở mức 1,58m nhưng không ít thí sinh phải lo lắng, đau đầu về “thước tấc” của mình, dù họ đã vượt điều kiện mà BTC đưa ra.

Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng trao hoa tặng cho top 5 thí sinh mặc áo dài đẹp nhất.
img

Chính tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp cũng đã lên tiếng: “Các thí sinh quá chú trọng vào chiều cao. Nhiều người đã có lời nhờ cậy tôi... ghi tăng số đo thêm chút ít, dĩ nhiên điều này là không thể được nhưng các bạn ấy không biết, hình thể cân đối mới là điều quan trọng nhất”.

Không thể phủ nhận, sẽ có nhiều ánh mắt ngước nhìn khi các người đẹp sở hữu chiều cao lý tưởng nổi trội hơn người bình thường nên vô hình trung đó cũng là một áp lực không nhỏ tạo ra cho các thí sinh.

Hai chị em song sinh Thạch Linh (SBD 29), Vương Linh (SBD 30) không khỏi e ngại khi thổ lộ: “Chúng em chỉ cao 1,62m nên có lẽ sẽ không đạt được thứ hạng cao, nhưng vẫn cố gắng hết sức trong các phần thi, nhất là đêm chung kết để bạn bè, gia đình theo dõi qua màn ảnh nhỏ không phải thất vọng vì mình”.

Bùi Thị Loan (SBD 31) có vẻ tự tin hơn dù trước đó cô cũng không khỏi lo lắng với chiều cao 1,66m: “Em không nghĩ những nhược điểm này sẽ ảnh hưởng quá nhiều vì Á hậu 2 của Cuộc thi Hoa hậu thế giới 2011 vừa diễn ra - Amanda Vilanova cũng chỉ cao 1,65m”.

Chính bởi nỗi ám ảnh chiều cao nên đi đâu, làm gì, các thí sinh cũng cheo leo gắn với... đôi giày cao gót, ngoài ra, các cô gái còn phải tự mình trang điểm, chuẩn bị hành trang cho các đêm thi lẫn lịch luyện tập dày đặc… Ban giám khảo cho biết, “tự lực tự cường” cũng là một trong những thử thách mà các người đẹp phải vượt qua để ghi điểm trong cuộc thi.

Hiểu thêm về văn hóa

“Trong mắt em, những cô gái người dân tộc thiểu số là những người hiền lành, trong sáng như trong truyện cổ tích nên Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc đã cuốn hút em ngay khi đọc được thông tin về cuộc thi này em đã không ngần ngại tham gia” – Vương Linh- người đẹp dân tộc Kinh chia sẻ.

Không chỉ riêng cô thí sinh đến từ cố đô Huế chia sẻ mà phần đông trong tổng số 61 người đẹp bước vào vòng chung kết xếp hạng này không phải ai cũng sở hữu cho mình lượng kiến thức ổn về những giá trị truyền thống, bản sắc từng dân tộc.

Đêm thi “Hương sắc Việt Nam” sẽ diễn ra vào đêm 7.12 ; đêm chung kết và lễ đăng quang sẽ diễn ra vào ngày 10.12 tại Nhà hát Hòa Bình, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4.

Kră Jan Loen (SBD 32)- người đẹp dân tộc K’ho: “Tôi có được rất nhiều thứ từ cuộc thi này, nhất là có thêm những hiểu biết mới về các nền văn hóa khác nhau cũng như những bạn bè mới từ khắp các vùng đất khác nhau”.

Thí sinh Bùi Thị Loan đã ngượng ngùng khi được Ban giám khảo hỏi: “Em ở Ninh Bình, vậy em có biết hát chèo hay không?”. Bởi thế, Loan đã không ngừng tìm kiếm thầy dạy, chăm chỉ luyện tập để có thể mang “chèo” vào phần thi tài năng ngày 4.12, ngoài ra cô còn cho biết, sau cuộc thi sẽ sắp xếp thời gian để học hỏi, tìm hiểu sâu hơn về các môn nghệ thuật truyền thống, văn hóa của từng dân tộc.

Còn Trúc Liễu (SBD 26): “Trước khi tham gia cuộc thi này, tôi đã là một người mẫu nhưng các cuộc thi của “chân dài” không phải là nơi có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mình có thêm sự hiểu biết, kiến thức về văn hóa, con người VN ở khắp mọi miền đất nước, vì vậy tôi rất hào hứng tham gia Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem