Nỗi buồn điện ảnh quốc doanh

Thứ sáu, ngày 09/09/2011 18:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi phim “Long ruồi” của Hãng phim Thiên Ngân thu về 27 tỷ đồng sau một tuần công chiếu thì thấy xót xa khi nhìn ra rằng các hãng phim quốc doanh hầu như “đắp chăn ngủ” suốt 2 năm qua vì không kịch bản nào được duyệt để sản xuất.
Bình luận 0

Trước buổi họp báo về Liên hoan phim VN lần thứ 17 tại Phú Yên, cánh nhà báo hoang mang với tin đồn: Liên hoan phim năm nay khó mà tổ chức vì không có kinh phí, phim thì ít. Cuối cùng thì Cục Điện ảnh đã chính thức thông báo liên hoan phim vẫn tổ chức, nhưng chắc chắn sẽ không nhiều người “hoan hỉ” với tin vui này.

img
Cảnh trong phim “Long ruồi” - bộ phim thu về 27 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu.

Đi qua không dám nhìn

Vài tháng trước, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện VN, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã phải gửi thư ngỏ than thở về tình trạng xập xệ của điện ảnh nước nhà.

Nếu Hãng phim Truyện VN là một biểu tượng của ngành điện ảnh, thì chỉ trông vào trụ sở của nó ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) cũng đã thấy đủ phần chua chát. Anh em đạo diễn, biên kịch, diễn viên, kỹ thuật viên tản mát đi khắp nơi làm “lính đánh thuê” cho các dự án phim truyền hình; người trẻ ra trường lắc đầu quầy quậy không ai muốn về với Hãng.

Niềm tự hào của điện ảnh VN một thời giờ chỉ là một khu nhà xưởng hoang tàn, bà Hồng Ngát thú nhận: “Mỗi lần đi qua số 4 Thụy Khuê, mái nhà chung của bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ điện ảnh, tôi thực lòng không dám nhìn vào, bởi vì nhìn vào đó sẽ càng thấy xót xa cho thực trạng điện ảnh hôm nay”.

Nền điện ảnh cách mạng VN với hơn nửa thế kỷ trưởng thành đã thực sự tê liệt mấy năm gần đây, các hãng phim do Nhà nước quản lý hầu như đắp chiếu nằm im vì 2 năm nay không có kịch bản phim nào được Cục Điện ảnh duyệt để đưa vào sản xuất. Tiền đi đâu hết, tại sao ngân sách Nhà nước vẫn rót đều cho ngành điện ảnh mà các nghệ sĩ lại phải “ngồi chơi xơi nước”? Câu hỏi này chỉ được các anh em nghệ sĩ bàn tán “vòng ngoài”, cho đến một ngày kia, sự việc “thất thoát hơn 40 tỷ đồng” ở Cục Điện ảnh... lộ sáng.

Giờ thì 2 lãnh đạo Cục chịu trách nhiệm trực tiếp với Liên hoan phim VN 17 là Cục trưởng Lại Văn Sinh và Phó Cục trưởng Lê Ngọc Minh đã được lãnh đạo Bộ VHTTDL cho ra khỏi danh sách Ban tổ chức do liên quan đến số tiền kia. Khoan bàn về chuyện họ “bị lừa” hay “chủ động để được... lừa” khi chưa có kết luận chính thức. Chỉ biết rằng các nghệ sĩ điện ảnh chân chính đang bị tổn thương ghê gớm vì họ đã bị tước đoạt cơ hội làm nghề, nhất là khi thời gian không bao giờ chờ đợi ai.

Còn không lối thoát?

Đã qua thời nghệ sĩ đổ lỗi cho khán giả “quay lưng lại với điện ảnh”, bằng chứng là hàng loạt phim của các hãng phim tư nhân đã liên tiếp lập kỷ lục doanh thu, các phim nội đình đám ngoài rạp mấy năm gần đây hoàn toàn chẳng dính dáng gì tới các hãng phim quốc doanh. Một kịch bản bị các nhà phê bình khó tính đánh giá là “chỉ hơn vở kịch vui một chút” như “Long ruồi” cũng đã đem về 27 tỷ đồng chỉ sau một tuần công chiếu...

NSƯT Vương Đức- Giám đốc Hãng phim Truyện VN cho biết: “Hơn chục năm trước, tôi đã nói rằng nếu chúng ta cổ phần các ngành trong nền điện ảnh dân tộc thì có lẽ nên bắt đầu từ ngành chiếu phim. Cổ phần tức là thị trường hóa ngành điện ảnh, phải có nhiều cụm rạp và tạo được thị trường điện ảnh. Đây là gốc rễ của vấn đề”.

Hãng phim đắp chiếu, nghệ sĩ đi làm lính đánh thuê, điện ảnh quốc doanh tất nhiên không thể lấy đâu ra “thành tựu nghệ thuật”. Những người làm điện ảnh chân chính cũng không ai muốn “sống nhờ” thêm nữa, cái họ cần là một cơ hội sòng phẳng để làm nghề. Họ sẵn sàng để được cùng góp vốn làm phim, được chịu trách nhiệm với đồng tiền của mình để làm cho hay cho tốt và thu lời chính đáng, nhưng không hiểu sao các nhà lãnh đạo không ai mặn mà với cơ chế ấy.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng- Phó Giám đốc Hãng phim Truyện VN bày tỏ: “Giải pháp để cứu điện ảnh quốc doanh bây giờ là quyết liệt chuyển đổi cơ chế. Nghĩa là thay bằng việc tồn tại ba cơ chế như hiện nay: Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, sự nghiệp có thu thì nên chuyển tất cả sang doanh nghiệp. Cần xây dựng Tập đoàn điện ảnh VN như cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm”.

Trên thực tế, Hãng phim Thiên Ngân là một mô hình tốt, khi có trong tay rạp chiếu, được nhập phim ngoại, chiếu có lãi, có tiền đầu tư cho phim nội...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem