Tuy nhiều cây lúa ở xã Thanh Chăn vẫn còn bông nhưng hạt thóc còn rất ít và chất lượng kém , khiến nông dân rất lo lắng. Ảnh: Vinh Duy
Bệnh đạo ôn cổ bông “tấn công” lúa đặc sản
Vụ đông xuân năm 2017, khu vực lòng chảo Điện Biên gieo cấy 3.620ha lúa và hiện nay, lúa chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên, khu vực lòng chảo có 730ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Trong đó, trà sớm bị nhiễm 161ha, nhiễm nặng 19,46ha; trà chính vụ 569ha, nhiễm nặng 160,54ha. Tỷ lệ hại trung bình từ 1,8 – 3,7%, chủ yếu tập trung trên giống lúa sén cù – một trong những giống lúa ngon nhất của Điện Biên.
Thanh Chăn là xã có diện tích lúa bị đạo ôn cổ bông lớn nhất khu vực lòng chảo Điện Biên. Năm nay, xã gieo cấy 260ha lúa đông xuân, trong đó có 40% diện tích là giống lúa Séng Cù. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa Séng Cù đã bị bệnh, nguy cơ mất trắng. Ông Lù Văn Phong, đội 2, xã Thanh Chăn cấy 1.200m2 giống lúa Séng Cù thì 100% diện tích lúa đều bị nhiễm đạo ôn cổ bông. Khi phát hiện lúa có dấu hiệu nhiễm bệnh, ông Phong lập tức mua thuốc về phun phòng trừ nhưng lúa của gia đình ông vẫn bị đạo ôn cổ bông “ăn” cháy.
Ông Phong chua xót nói: Năm 2016, gia đình tôi trồng thử giống Séng Cù vừa được mùa, vừa được giá nên năm nay gia đình tôi quyết định gieo cấy hết diện tích bằng giống lúa này. Thời kỳ đẻ nhánh, cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, không có sâu bệnh, Tuy nhiên, sau khi trổ bông khoảng 1 tuần, bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu “tấn công” làm bông lúa héo dần rồi khô hẳn. Đến nay, trên 90% diện tích lúa của gia định bị nhiễm nặng, khó có khả năng phục hồi. Nhiều hộ khác ở đây cũng bị ảnh hưởng, bà con đang lo lắm vì lúa là nguồn thu lớn nhất của chúng tôi.
Trao đổi với phóng viên, chị Lò Thị Minh Nhẫn - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên cho biết: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng cây lúa bị nhiễm bệnh đạo ông cổ bông là do người dân không tuân thủ cơ cấu giống, áp giống ngắn ngày (Séng Cù) vào cùng lịch thời vụ gieo trồng với giống dài ngày. Giống Séng Cù khả năng chống chịu sâu bệnh kém cộng thêm thời tiết diễn biến phức tạp nên bệnh lây lan, phát triển nhanh.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, theo chị Nhẫn, bà con chỉ phun phòng trừ khi lúa chuẩn bị trổ bông mới có hiệu quả, nếu đợi đến khi lúa bị nhiễm mới phun thì không có tác dụng. Hiện nay, lúa đang chuẩn bị thu hoạch, bà con không nên phun thuốc trừ sâu bệnh để đảm bảo thời gian cách ly an toàn trước khi gặt.
Nhiều hộ nông dân huyện Điện Biên lo mất mùa vì lúa nhiễm bệnh nặng. Ảnh: Vinh Duy
Ngành chức năng bất lực?
Theo ông Chu Văn Bách - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Điện Biên, để xảy ra bệnh đạo ôn trên diện tích lớn là do người dân không tuân thủ cơ cấu giống và cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng không đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Điện Biên.
Vụ đông xuân năm 2016 – 2017, huyện Điện Biên chỉ đạo sản xuất với cơ cấu giống: 45 – 50% giống Bắc thơm; 15 – 20% giống IR64; 15 – 20% giống nếp, còn lại các loại giống khác. Tuy nhiên, khi thực hiện người dân lại gieo cấy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường nên đã phá vỡ cơ cấu giống của huyện. Khu vực lòng chảo Điện Biên có khoảng 25% giống lúa Séng Cù. Phần lớn các xã đều dành nhiều diện tích sản xuất giống Séng Cù trong khi giống này không có trong cơ cấu. Điển hình như xã Thanh Chăn, toàn xã gieo cấy 260ha lúa nhưng có tới 40% diện tích gieo cấy giống Séng Cù.
Ông Phạm Minh Tiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: "Trước thời vụ, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, các trưởng bản thông báo rộng rãi và hướng dẫn người dân thực hiện đúng cơ cấu giống của huyện giao. Song khi triển khai thực hiện, người dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm và thị hiếu thị trường".
Ông Phạm Văn Kiên - Trưởng phòng NNPTNT huyện Điện Biên cho biết thêm: Công tác quản lý giống trên địa bàn gặp nhiều khó khăn vì hiện nay, chính sách hỗ trợ giống của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cùng với đó, ngày càng mọc lên nhiều đại lý cung cấp giống nông nghiệp nên người dân có nhiều lựa chọn tùy theo sở thích và năng lực tài chính của các hộ. Để thực hiện tốt công tác quản lý giống, huyện Điện Biên đã thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm song vẫn không thể kiểm soát hết.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về tình hình thiệt hại lúa do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, ông Hà Văn Quân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Đến thời điểm này đã thống kê được 45ha lúa Séng Cù của huyện Điện Biên bị ảnh hưởng, giảm năng suất đến trên 70%. Ngoài ra, gần 700ha lúa Séng Cù tại huyện Điện Biên và TP.Điện Biên cũng bị ảnh hưởng, năng suất giảm khoảng 30 - 40%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.