Nhiều thành tựu đột phá
Theo Báo cáo Tổng kết Dự án Khuyến nông 2015-2017 của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), qua 3 năm thực hiện Dự án “Duy trì và sản xuất hạt giống bố, mẹ của một số giống lúa lai 2 dòng và 3 dòng phổ biến cho năng suất, chất lượng cao” do Bộ NNPTNT giao TTKNQG chủ trì, trung tâm đã tổ chức sản xuất 135ha hạt giống bố mẹ nguyên chủng gồm 5 giống hệ 2 dòng: TH3-3, TH3-4, TH3-5, VL20, VL50 và 6 giống hệ 3 dòng: Nhị ưu 838, CT16, Bác Ưu 903KBL, LC25, HYT100, HYT108.
Kết quả trung bình mỗi năm sản xuất được 60-80 tấn dòng lúa mẹ, 15-18 tấn dòng lúa bố đạt tiêu chuẩn, có giá thành giảm 30-35% so với hạt giống nhập khẩu cùng loại. Đảm bảo cung cấp giống để sản xuất được khoảng 1.500-2.000ha hạt giống F1 (chiếm 60-70% diện tích sản xuất hạt giống F1 của cả nước).
Người dân tham gia sản xuất hạt giống bố mẹ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5-2,0 lần so với sản xuất lúa thương phẩm. Quá trình triển khai Dự án đã có 1.200 cán bộ kỹ thuật và nông dân được đào tạo bài bản nắm vững quy trình sản xuất, nhân dòng lúa lai F1, nhiều làng nghề sản xuất hạt lai F1 hình thành trên cả nước…
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái) thăm cánh đồng sản xuất lúa lai F1 của Công ty Cường Tân. Ảnh: Trần Dũng
Nhiều lần tham quan, khảo sát tại mô hình sản xuất lúa lai của Công ty Cường Tân, chúng tôi thấy mô hình đã gắn kết được bà con nông dân tham gia sản xuất. Bà con đã thông thạo kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 trở thành nghệ nhân, một làng nghề sản xuất hạt F1 thực thụ”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Lê Quốc Doanh
|
Đặc biệt, có nhiều thành tựu đột phá mới trong sản xuất lúa lai F1 như nhóm chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đứng đầu đã lai tạo thành công giống lúa F1 mới chuyển gen thơm, chuyển gen dài cổ bông. Bên cạnh đó, “công trình khoa học” tạo giống lúa lai F1 chuyển gen chống bạc lá cũng là bước đột phá hiện nay.
TS Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc TTKNQG cho biết: “Những năm gần đây, công tác nghiên cứu và chọn tạo giống, kỹ thuật sản xuất lúa lai đã có những bước phát triển. Từ chỗ nhập khẩu 100%, Việt Nam đã chọn tạo sản xuất được nhiều tổ hợp lúa lai mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh. Đến nay, đã có khoảng 20 giống lúa lai do các đơn vị trong nước chọn tạo được Bộ NNPTNT công nhận.
Nhận định thế mạnh sản xuất lúa lai của Việt Nam, TS Lê Hưng Quốc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam nói: “3 lợi thế của chúng ta là năng suất, chất lượng, chống chịu. Sản xuất hạt lai đã đảm bảo 35% thay thế nhập khẩu. Tôi cho rằng, lúa lai có vị trí, chỗ đứng trong cấu trúc cây lúa, nhất là ở miền núi. Đã có một loạt các doanh nghiệp khoa học công nghệ ra đời. Điển hình như Công ty Cường Tân tiên phong sản xuất lúa lai, xây dựng được thương hiệu nổi tiếng thị trường 10 năm qua”.
Thu nhập cao hơn trồng lúa thường 40%
Trong năm 2017, Dự án Khuyến nông Quốc gia tổ chức triển khai sản xuất 9 tổ hợp lúa lai do Việt Nam chọn tạo và một số tổ hợp lúa lai nước ngoài có năng suất cao, có tính thích ứng rộng, chất lượng cao...
Tổng diện tích sản xuất lúa lai khoảng 340ha với 1.700 hộ dân tham gia. Cụ thể, vụ đông xuân 2016 – 2017 triển khai sản xuất khoảng 260ha (gồm 140ha sản xuất hạt lúa lai F1 hệ 3 dòng, 120ha sản xuất hạt F1 hệ 2 dòng). Năng suất trung bình lúa lai F1 đạt 27 tạ/ha. Đặc biệt, những hộ dân tham gia sản xuất giống lúa lai F1 có thu nhập ổn định và cao hơn 40% so với trồng lúa thường.
Trực thuộc Dự án vào vụ đông xuân 2016-2017, Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) đã triển khai sản xuất hạt lai F1 trên diện tích 100ha/vụ tại 5 vùng quy hoạch, với 88 hộ dân tham gia sản xuất các tổ hợp lúa lai 3 dòng: CT16, Nhị Ưu 838, năng suất lúa đạt khoảng 28 tạ/ha. Sản phẩm được Công ty Cường Tân thu mua 150.000 đồng/kg lúa dòng mẹ F1 tiêu chuẩn, trừ chi phí nông dân thu lãi 75 triệu đồng/ha, hiệu quả vượt bậc so với sản xuất “lúa thịt”.
TS Trần Văn Khởi nhận định sản xuất, diện tích và sản lượng giống lúa lai F1 sản xuất trong nước còn thấp trước tiềm năng đất đai, lao động và thị trường. Vì vậy, rất cần thiết tiếp tục triển khai dự án “Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1” giai đoạn 2017 – 2019, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân, hạn chế nhập khẩu hạt lai F1, chủ động được nguồn giống có chất lượng cao phục vụ sản xuất nội tại.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Vai trò của cây lúa lai vô cùng quan trọng, đặc biệt với những vùng có thời tiết khắc nghiệt. Thời gian tới, Bộ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ phát triển nghiên cứu, nhân rộng sản xuất lúa lai”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.