Nỗi cùng cực của gia đình phải bán nội tạng vì quá đói nghèo

Phương Đăng (theo BBC) Thứ năm, ngày 21/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Như hàng triệu gia đình khác ở Iraq, hai vợ chồng Om Hussein và 4 đứa con đang phải vật lộn chống chọi với đói nghèo. Sự túng quẫn cùng cực khiến gia đình Om Hussein quyết định bán nội tạng để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bình luận 0

Chồng của chị Om Hussein tên là Ali đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Anh còn bị bệnh tiểu đường và có vấn đề về tim mạch. Do đó, Hussein buộc phải trở thành trụ cột gia đình trong 9 năm qua. Trước đây, chị đi giúp việc cho các gia đình khá giả. Nhưng giờ đây, Hussein mắc chứng kiệt sức và không còn có thể đi làm được nữa.

“Tôi quá mệt mỏi và chúng tôi không còn tiền để trả tiền thuê nhà, tiền thuốc men, thức ăn cho các con cũng như những khoản sinh hoạt khác”, chị Hussein chia sẻ.

Cả gia đình 6 người đang sống trong ngôi nhà chỉ có một phòng ngủ chật chội, dột nát ở phía Đông Baghdad. Căn nhà của họ xuống cấp đến mức đã bị sập cách đây vài tháng. Cả gia đình có thể sống sót nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và người thân. 

img

Chị Om Hussein và con trai. Ảnh BBC

“Tôi đã làm tất cả mọi việc. Chẳng hạn như bán thịt, bốc vác, nhặt rác. Tôi không đi xin tiền. Nhưng người ta vẫn cho chúng tôi. Tôi cũng không xin ăn. Tôi bảo các con trai mình nhặt bánh mỳ người ta bỏ đi trên đường phố. Cả nhà có thể ăn thứ này và sống sót chứ tôi chưa từng đi xin tiền hay thức ăn…”, anh Ali cho hay.

Trước gia cảnh nghèo khó cùng cực như vậy, chị Hussein đã quyết định bán thận để lấy tiền trang trải cuộc sống.

“Tôi đã quyết định bán thận. Bởi tôi không còn có thể làm việc để nuôi sống gia đình mình nữa. Làm việc sẽ tốt hơn là bán nội tạng hoặc sống dựa vào lòng tốt của mọi người”, chị Hussein chia sẻ. 

Không chỉ riêng chị Hussein, anh Ali cũng quyết định bán nội tạng. Cặp vợ chồng đã tới gặp một người chuyên mua bán nội tạng bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, họ nhận được kết quả là nội tạng của họ không đủ khỏe mạnh để cấy ghép.

Thất vọng, hai vợ chồng Ali thậm chí còn nghĩ đến một giải pháp khủng khiếp hơn.

“Do nghèo khổ cùng cực, chúng tôi thậm chí đã nghĩ đến việc bán thận của con trai để lấy tiền”, Ali chỉ vào cậu con trai 9 tuổi thú nhận, bằng giọng nói giận dữ với chính bản thân mình. 

“Vì sao chúng tôi lại bị đẩy tới tình cảnh này?”, anh Ali đau khổ đặt câu hỏi. 

Nạn bán nội tạng vì nghèo đói ở Iraq

BBC dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cho hay, khoảng 22,5% trong tổng số 30 triệu người Iraq đang sống trong cảnh nghèo khổ. Cái nghèo, cái đói đã trở thành lý do chính dẫn đến nạn buôn bán thận cũng như các nội tạng khác bùng nổ ở Baghdad.

img

Đói nghèo đang khiến nạn buôn bán nội tạng bùng nổ ở Iraq. Ảnh BBC

Nhiều băng nhóm chuyên thu mua nội tạng quốc tế có thể ngã giá lên tới 10.000 USD/ một quả thận. Hiện các nhóm này đang đẩy mạnh hoạt động tại các quốc gia nghèo, bị chiến tranh tàn phá như Iraq, biến nơi này thành một trung tâm buôn bán nội tạng mới ở Trung Đông.           

“Hiện tượng này đang ngày càng phát triển nhưng chính quyền lại không có khả năng để xử lý. Cá nhân tôi đã tiếp nhận 13 trường hợp bị bắt vì bán thận trong 3 tháng qua. Nghèo đói là lý do đẩy họ tới hành động này. Bạn hãy hình dung một kịch bản như thế này: Một người cha thất nghiệp không thể kiếm được tiền nuôi con. Anh ta đành hy sinh thân mình. Tôi xem anh ta là nạn nhân và phải bảo vệ anh ta”, Firas Al-Bayati, một luật sư ở Iraq cho hay.

Cũng theo luật sư này, phạm tội buôn bán nội tạng ở Iraq có thể bị phạt từ 3 năm tù giam đến tử hình. Năm 2012, chính phủ Iraq đã phê duyệt một luật mới để ngăn nạn buôn bán người và nội tạng người. Theo luật này, chỉ có những người thân trong gia đình mới được phép hiến tạng cho nhau dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận chung giữa các bên.

Tuy nhiên, luật này tỏ ra không hiệu quả khi những kẻ buôn bán nội tạng có thể làm giả giấy tờ dễ dàng để hợp pháp hóa các giao dịch.   

Phóng viên BBC đã phỏng vấn một người buôn bán nội tạng đang chịu án tù ở Iraq tên là Mohammed. Khi được hỏi về công việc trước đây của mình, ông bố của 2 con chia sẻ: “Ban đầu, tôi không cảm thấy tội lỗi. Tôi còn tự cho rằng đây là việc làm nhân đạo. Nhưng sau vài tháng làm nghề này, tôi bắt đầu thấy day dứt lương tâm. Chủ yếu là vì gia cảnh nghèo khổ, cùng cực của người bán nội tạng. Tôi đã rất buồn khi thấy những thanh niên còn rất trẻ phải bán nội tạng để lấy tiền”.        

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem