Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập

Hà Trang Thứ sáu, ngày 14/01/2022 08:38 AM (GMT+7)
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, trong đó có cựu chiến binh trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn đang từng ngày phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Bình luận 0

VIDEO: Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Thực hiện: Hà Trang

Nỗi đau xuyên thế hệ theo chân người lính từ chiến trường

Nằm sâu cuối con ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) là ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Bá Tứ và bà Nguyễn Thị Mùi. 

Ông Tứ chính là một trong bốn cựu chiến binh trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 với vai trò pháo thủ số 2. Hòa bình lặp lại, người lính ấy trở về với cuộc sống mưu sinh thường ngày bằng nghề lái xe mà không hề hay biết bản thân đã vô tình bị nhiễm chất độc da cam từ chiến trường.

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bá Tứ (sinh năm 1953) là một trong bốn cựu chiến binh trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 với vai trò pháo thủ số 2. Ca phẫu thuật cắt bỏ dây thanh quản năm 2011 khiến ông bị mất đi khả năng giao tiếp, sức khỏe cũng giảm hẳn so với trước. Giấy và bút trở thành vật bất ly thân của ông Tứ khi giao tiếp với mọi người. Ảnh: Hà Trang.

Năm 1978, ông Tứ cùng bà Mùi đón người con gái đầu lòng là chị Nguyễn Thị Thùy Hương chào đời trong sự hân hoan, hạnh phúc vô bờ. Song, trớ trêu thay, niềm vui lớn chẳng kéo dài được bao lâu.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Mùi cho hay, lúc mới sinh ra, chị Hương trông hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác, cũng biết khóc, biết cười, chân tay vận động linh hoạt... Vậy nhưng khi thấy con gái được mười lăm tháng tuổi mà vẫn chưa biết ngồi, trong khi trẻ con bình thường sẽ biết đi ở độ tuổi ấy thì người mẹ đã có những dự cảm không lành.

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bá Tứ chỉ vào chính mình trong bức ảnh lịch sử khi cùng các đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846. Ảnh: Hà Tran.

Đến khi đưa con đi xét nghiệm thì gia đình mới phát hiện chị Hương bị ảnh hưởng của chất độc da cam theo di truyền từ người cha. Ròng rã hơn một thập kỷ đưa con đi khám chữa, châm cứu ở khắp nơi, cuối cùng chị Hương cũng giữ được thăng bằng tốt hơn để biết ngồi, biết đi, tách được phần cổ và đầu khỏi dính vào vai để có thể ngẩng lên cao... 

"Người ta sinh con mà đến khi con được khoảng 4, 5 tuổi, biết "mồm ăn chân chạy" là đã nhàn rồi. Còn mình phải chờ tới tận 13, 14 năm thì mới có thể gọi là nhàn hơn chút ít", bà Mùi nghẹn ngào tâm sự.

 "Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày"

Vì những di chứng của căn bệnh quái ác khiến cơ thể dị dạng, không có khả năng lao động nên đã ngoài 40 tuổi nhưng chị Hương vẫn phải sống phụ thuộc vào cha mẹ.

Vậy nhưng không đầu hàng trước số phận, dù thương xót con vô cùng nhưng ông Tứ và bà Mùi luôn cố gắng để chị Hương có thể sống một cách tự lập nhất có thể trong khả năng.

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 4.

: Bà Mùi hướng dẫn cho chị Hương biết cách sử dụng điện thoại thông minh để lưu giữ kỉ niệm qua những tấm ảnh Ảnh: Hà Trang.

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 5.

Bà Mùi chải tóc cho cô con gái. Ảnh: NVCC.

Nhìn cô gái tật nguyền với dáng người nhỏ bé, khuôn miệng méo xệch, chân tay co quắp khiến việc đi lại vô cùng khó khăn nhưng hàng ngày vẫn có thể phụ giúp bà Mùi các công việc trong gia đình khiến ai cũng cảm động và khâm phục.

Dù tất cả các cử động trong sinh hoạt đều không dễ dàng gì, phải làm cực kì chậm rãi và mất thời gian gấp hai, gấp ba so với người bình thường nhưng chị Hương vẫn cố gắng nấu cơm, rửa bát và tự mình vệ sinh cá nhân.

Hình ảnh người mẹ luôn chịu thương chịu khó và kiên nhẫn từng chút một để chỉ dạy cho cô con gái khiến ai cũng xúc động. Bà Mùi chia sẻ: "Trông thế thôi nhưng con đỡ đần được cho mình nhiều việc lắm. Hôm nào mẹ bận là đều một tay con cơm nước, giặt giũ cho cả nhà".

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 6.

Do bị nhiễm chất độc da cam khiến mọi cử động trong sinh hoạt thường ngày của chị Hương đều rất khó khăn, bất tiện Ảnh: Hà Trang.

Ngoài ra, bà luôn cố gắng cho chị Hương tích cực tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật quận Ba Đình (Hà Nội) để chị giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ và có thêm cho mình nhiều người bạn mới.

Nỗi đau khi con gái bị nhiễm chất độc da dam vẫn còn đó thì đến năm 2011, ông Tứ không may bị bạo bệnh, dẫn đến việc phải phẫu thuật cắt bỏ dây thanh quản, từ đó đến nay sức khỏe cũng yếu đi trông thấy. Ca phẫu thuật khiến ông mất đi khả năng nói nên mọi hoạt động giao tiếp đều trở nên khó khăn hơn, lúc nào phải cần tới giấy và bút.

Nỗi đau "màu da cam" của người vợ pháo thủ trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh 7.

Cửa hàng nhỏ bán đồ ăn sáng ở đầu ngõ giúp bà Mùi kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình. Ảnh: Hà Trang.

Cũng bởi vậy mà ngày 20/4/2019, trong chuyến đi "lịch sử" gặp mặt lại những đồng đội trên chiếc xe tăng 846 huyền thoại năm xưa, bà Mùi đã sát cánh cùng chồng để thuận tiện chăm sóc và làm "phiên dịch viên" đặc biệt cho ông Tứ.

Gánh nặng kinh tế của cả gia đình đổ dồn lên đôi vai người mẹ, người vợ. Khoản trợ cấp dành cho nạn nhân chất độc màu da cam của chồng và con gái là chưa đủ để trang trải cuộc sống, bà Mùi nay đã về hưu nhưng vẫn tần tảo sớm hôm quanh quẩn bên cửa hàng ăn nhỏ bán xôi, bánh mì mở bán ngay đầu ngõ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Sức khỏe yếu kém nhưng ông Tứ và chị Hương vẫn ngày ngày ra phụ giúp bà. 

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn lạc quan, vui vẻ: "Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày. Dù có thế nào thì mình cũng vẫn phải cố gắng. Tư tưởng tôi thoải mái nên cũng không có gì mà khiến mình phải cảm thấy tủi thân hay buồn bã hơn mọi người. Còn sống, còn khỏe mạnh thì mình vẫn chăm con được bình thường thôi".

Ông Nguyễn Bá Tứ nhập ngũ năm 1971. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, ông Nguyễn Bá Tứ là pháo thủ số 2 của xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2), một trong những chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu, tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. '

Xe tăng 846 cũng chính là chiếc xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng "Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975" của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong bức ảnh, pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ ngồi trên tháp pháo, đây là vị trí rất nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào khi bị địch phản công.

May mắn trở về sau cuộc kháng chiến, nhưng ông Tứ bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 3 người con (1 gái, 2 trai), thì con gái lớn là Nguyễn Thị Thùy Hương (SN 1978) bị nhiễm chất độc da cam từ bố, mất sức lao động hoàn toàn. Con trai út sinh năm 1997 đang học lớp 12.

Sau khi rời quân ngũ năm 1977, trở về cuộc sống đời thường, ông Tứ là thợ điện của Phòng y tế Hai Bà Trưng, đến năm 1995 thì chuyển sang lái xe du lịch. Song không may ông bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 3 người con (1 gái, 2 trai), thì con gái lớn là Nguyễn Thị Thùy Hương (SN 1978) bị nhiễm chất độc da cam từ bố, mất sức lao động hoàn toàn.

Năm 2010, ông Tứ bị ung thư thanh quản, phải cắt bỏ thanh quản. Bây giờ khi giao tiếp với ai, đi bất cứ đâu, ông Tứ đều mang theo cây bút và tờ giấy để "nói chuyện". Ai hỏi gì, ông đều trả lời bằng cách viết ra giấy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem