Thực trạng đáng báo độngNơi chúng tôi đến đầu tiên là xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Nậm Cắn là một xã nghèo có 70% dân số là đồng bào Mông. Vào một ngôi nhà tồi tàn ở bản Khánh Thành, chúng tôi thấy một phụ nữ mặt còn non choẹt đang bế con ngồi khóc. Đó là Mùa Y M và con gái mới hơn 1 tuổi. M gạt nước mắt cay đắng kể: “Chưa học hết THCS thì em bị cướp về làm vợ...”. Chồng em đang tuổi ăn tuổi chơi nên suốt ngày lêu lổng uống rượu, bỏ bê nương rẫy, vợ con”.
Người mẹ có 3 con ở huyện miền núi Kỳ Sơn này kết hôn từ năm 14 tuổi.
Ông Hờ Chống Nhía – Chủ tịch xã thừa nhận: Nơi đây, 13 - 14 tuổi đã có thể kết hôn, người trong gia đình cũng lấy nhau, như con cô lấy con cậu, con bác lấy con dì, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô, con anh lấy con em là chuyện bình thường.
Theo ông Mùa Xia Lữ - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Kỳ Sơn thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn chiếm 15 - 20% tỷ lệ các cặp vợ chồng kết hôn.
Ở miền tây Nghệ An, nạn tảo hôn nhiều nhất vẫn là xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Trung bình mỗi năm xã này có hàng chục cặp tảo hôn. Riêng bản Tà Sỏi trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 15 cặp tảo hôn. Ông Lê Quang Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: Các trường hợp kết hôn tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút, không thông qua chính quyền cơ sở, hầu như ở bản nào cũng có tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, ngăn chặn nhưng xem ra chẳng ăn thua vì phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào.
Hiện nay, không riêng gì ở Kỳ Sơn, Quỳ Châu mà nhiều bản làng các huyện miền núi vùng cao xứ Nghệ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là vấn đề nhức nhối làm đau đầu chính quyền địa phương và các nhà xã hội học.
Những hệ lụy buồnTheo các chuyên gia về tâm ly, những bé gái còn non dại mà sớm làm vợ, làm mẹ thì cuộc sống rất vất vả, không hạnh phúc dẫn đến tan vỡ và bi kịch xảy ra là điều khó tránh khỏi. Đã có nhiều vụ tự tử xảy ra như trường hợp Già Y. N (SN 1984), trú tại xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, nhảy sông tự vẫn, để lại 2 con nhỏ. Được biết, N bị “háy pù” (kéo vợ) từ khi 15 tuổi. Lấy chồng không có tình yêu là một nỗi đau không dễ gì khoả lấp. Khi không còn chịu đựng được, hai người đành phải chia tay. Tục lệ người Mông rất kiêng kị việc bỏ vợ, bỏ chồng. Và trong vòng nghĩ quẩn, N đã nhảy cầu để giải thoát.
TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã trở thành rào cản đối với việc hoàn thành tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đặt ra, đó là: Giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, xúc tiến bình quyền nam – nữ, bảo vệ trẻ em, cải thiện sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống lại dịch bệnh HIV/AIDS.
|
Còn hệ lụy cho thế hệ sau về bệnh tật là một nỗi đau dai dẳng về tình trạng hôn nhân cận huyết. Tại bản Cọ Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có gia đình có tới 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Trong đó, một cặp có 2 con sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh và chết sơ sinh, cặp còn lại sinh con ra đều bị dị tật. Bé Vi K ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương do bố mẹ cùng trực hệ lấy nhau nên năm nay em đã 7 tuổi nhưng còi cọc như đứa trẻ lên 2. K còn bị bệnh tan máu bẩm sinh, lách to, có nguy cơ dễ vỡ.
Hiện nay, Nghệ An đang tích cực thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Chi cục Dân số tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các huyện miền tây xứ Nghệ. Đây có thể xem là một bước chuyển động tích cực và hy vọng sẽ sớm có tác động đến nhận thức và tư tưởng người dân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang nhức nhối hiện nay.
Tiến Dũng - Vi Hải (Tiến Dũng - Vi Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.