Nỗi đau từ việc dung túng xe công nông

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 09:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bị cấm lưu hành từ năm 2008, nhưng với lý do “đặc thù làng nghề”, ở khu phố Đa Hội (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), xe công nông vẫn hoạt động. Chính những chiếc xe này gây ra bao nỗi đau cho không ít gia đình.
Bình luận 0

 Xe không phanh, còi...

Ngồi giữa căn nhà cấp 4 xập xệ, anh Trần Văn Thạo (SN 1973) ở Đa Hội, buồn bã cho biết: “Vợ tôi bị tai nạn do xe công nông gây ra đã được 6 tháng, cái ngày kinh hãi đó vẫn luôn ám ảnh trong tôi”.

img
Xe công nông vẫn hoạt động ở làng nghề Đa Hội.

Vào chiều 3.10.2012, như thường lệ, chị Trần Thị Đào (SN 1975 – vợ anh Thạo) lại ra cánh đồng để đi bộ tập thể dục. Khi chị mới ngoặt vào con đường nhỏ thì phía sau một chiếc công nông chở đầy xỉ than ầm ầm lao tới. Dù đã cố nép vào lề đường nhưng chị Đào vẫn bị chiếc xe cán qua người gây tử vong.

Cái chết oan uổng của người phụ nữ này khiến làng nghề xôn xao, nhiều người không khỏi buồn lòng cho gia đình anh Thạo. Anh vốn có dị tật, phát âm rất khó nghe, công việc hàng ngày trông chờ rất nhiều vào người vợ, giờ vợ mất một mình anh phải nuôi 3 đứa con thơ.

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định người lái công nông gây tai nạn cho chị Đào là Nguyễn Văn Sơn (SN 1995), trú ở xã Bình Sơn, thị xã Sông Công, Thái Nguyên). Chủ của chiếc xe là Trần Đức Ngời (SN 1980) ở khu phố Đa Hội.

Cũng ở vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa đến 18 tuổi nhưng Sơn đã phải bỏ học để đi làm ăn xa. Nghề lái xe công nông Sơn học được trong những ngày lăn lộn kiếm sống trở thành “cần câu cơm” ở làng nghề Đa Hội và nó cũng khiến Sơn vướng vào vòng lao lý. Điều đáng nói, chiếc xe gây tai nạn không có phanh, không còi và hệ thống lái vặn 120 độ vẫn... không tác dụng.

Luật sư: “Có bỏ lọt tội phạm”

Nguyễn Văn Sơn bị Viện KSND thị xã Từ Sơn truy tố tội danh: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tại điểm a, khoản 2, Điều 202-Bộ luật Hình sự. Còn Trần Đức Ngời bị truy tố tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn” (Điều 204 – Bộ luật Hình sự).

Vào cuối tháng 3.2013, trong phiên tòa xét xử, bị cáo Sơn khai nhận: Khoảng tháng 3.2012, Sơn được Trần Đức Ngời thuê lái xe công nông chuyên chở hàng hóa, sắt thép và vật liệu xây dựng trên địa bàn phường Châu Khê.

Theo thỏa thuận, Sơn được Ngời trả công 35.000 đồng/chuyến, toàn bộ chi phí và điều hành hoạt động vận tải đều do chủ xe đảm nhận. Bị cáo này khẳng định, khi làm việc cho Trần Đức Ngời, người chủ sở dụng lao động này biết rõ Sơn chưa đủ 18 tuổi. Còn Trần Đức Ngời thì trình bày, khi Sơn đến xin việc anh này nói SN 1992, lúc thì bảo chưa có giấy phép lái xe, lúc bảo có rồi...

Không đồng tình với cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, đại diện bị hại yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng với bị cáo Ngời thêm tội: “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”, theo Điều 205 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa lại cho rằng, tòa chỉ tiến hành xét xử theo nội dung truy tố. Còn nếu gia đình bị hại không đồng ý với bản cáo trạng thì khiếu nại tới Viện Kiểm sát (!?).

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này đã bỏ lọt tội phạm. Theo hồ sơ, bị cáo Sơn làm thuê cho bị cáo Ngời hơn 6 tháng mới xảy ra tai nạn, chứ không phải ngày một ngày hai.

Người sử dụng lao động phải biết rõ người mình thuê là thế nào, đủ điều kiện cho công việc không, nhất là đối với lái xe, pháp luật buộc anh phải biết điều đó chứ không đổ cho chủ quan hay cả tin được. Để xảy ra hậu quả (tai nạn chết người), chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng ở vụ án này, khi tòa thấy dấu hiệu bỏ lọt phạm thì với trách nhiệm của mình phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chứ không đẩy trách nhiệm sang cho bị hại như tuyên bố của vị thẩm phán...

Dân Việt đã có bài “Chính quyền dung túng cho hung thần” phản ánh việc chính quyền phường Châu Khê đã thu phí hoạt động của xe công nông, loại phương tiện bị cấm từ năm 2008. Chính sự dung túng này đã khiến người dân chở thành nạn nhân. Sau đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo dừng ngay việc thu phí và xử lý, tịch thu tất cả các phương tiện bị cấm vẫn cố tình lưu hành...

Trong thời gian tòa nghỉ để nghị án, bố của 2 bị cáo đã bức xúc, to tiếng đổ lỗi cho nhau. Bố bị cáo Sơn cho rằng Ngời biết Sơn không đủ tuổi vẫn thuê lái xe dẫn tới việc xảy ra tai nạn. Còn bố của bị cáo Ngời lại cho rằng, Sơn là người lái xe gây ra tai nạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Kết thúc phiên xét xử, TAND thị xã Từ Sơn tuyên phạt Nguyễn Văn Sơn 36 tháng tù giam, còn Trần Đức Ngời lĩnh 12 tháng tù giam. Sau phiên tòa, có rất nhiều người dân Đa Hội gọi điện cho phóng viên Dân Việt phản ánh, hiện địa phương này vẫn còn nhiều xe công nông hằng ngày vẫn chạy rầm rầm trên đường. Và loại “hung thần” này vẫn là mối lo với người tham gia giao thông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem