Nói để nông dân hiểu, làm để nông dân tin

Phương Đông Thứ sáu, ngày 18/07/2014 07:27 AM (GMT+7)
“Nghe nông dân (ND) hỏi, nói ND hiểu, làm ND tin” chính là đổi mới công tác tuyên truyền, vận động ND, đã được các đại biểu thảo luận, đóng góp vào dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Hội NDVN (khóa III) về công tác tư tưởng-văn hóa, tại phiên họp ngày 17.7, Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Hội NDVN (khóa VI).  
Bình luận 0

Hội nghị cũng đã góp ý vào dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Hội NDVN (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động ND trong tình hình mới; dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Hội NDVN (khóa VI) về nâng cao trách nhiệm của Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020.

Không còn tình trạng vận động “suông”

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, sau 15 năm thực hiện nghị quyết về công tác tư tưởng-văn hóa, công tác tuyên truyền, vận động của Hội tác động rõ nét nhất ở việc đổi mới tư duy về kinh tế của hội viên, ND, cổ vũ tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết làm giàu, thích ứng với cơ chế thị trường. Điều này thể hiện rất rõ qua phong trào ND thi đua SXKD giỏi, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững…

Theo ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND Hà Nội, các giá trị văn hóa của dân tộc (vật thể và phi vật thể) hiện phần lớn tồn tại ở nông thôn. Các cấp hội, trong đó có Hội ND Hà Nội đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, ND bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như khôi phục nghề truyền thống, lễ hội, di tích lịch sử...

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hận - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tây Ninh cho rằng, ND lưu trữ giá trị văn hóa tinh thần dân ca, dân vũ, dân nhạc không tốn tiền. Trong sản phẩm nông nghiệp ND cũng tạo ra nhiều giá trị văn hóa như bưởi Phước Lộc Thọ; làm nghệ thuật hoa, cây cảnh đấu giá… Sáng tạo của ND có tiền chứ không phải để chơi…

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý khẳng định, công tác tư tưởng-văn hóa của Hội tiếp tục được đổi mới về nội dung và hình thức, chuyển từ tuyên truyền, vận động “suông” sang gắn với việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, nhất là từ khi Hội NDVN thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ…

7 nhiệm vụ của công tác tuyên truyền

Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết về tư tưởng, văn hóa, các đại biểu đã thảo luận hoàn thiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Hội NDVN (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động ND trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên truyền, vận động ND thời gian qua; tạo hiệu quả rõ nét hơn trong việc các cấp hội nắm bắt, phản ánh toàn diện tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, ND kịp thời, đầy đủ; qua đó để nâng cao vai trò đại diện của tổ chức hội.

Nghị quyết nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động ND trong tình hình mới, gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp hội đối với công tác tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động; gắn tuyên truyền, vận động với xây dựng tổ chức hội, các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ ND; thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và hội nhập quốc tế; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội…

Về đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nghị quyết nêu rõ: “Thông qua các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, dạy nghề, đối thoại, trao đổi với hội viên, ND có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền để cùng nghe ND hỏi, nói ND hiểu, làm ND tin”…

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường yêu cầu, trong tình hình mới yêu cầu các cấp hội phải vận dụng thực hiện các nghị quyết một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình nông thôn, nông dân…Trước mắt, các cấp hội cần tích cực, chủ động thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các địa phương còn lúng túng; tích cực tham gia xây dựng NTM…

Ông Đinh Văn Toản - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, văn hóa đa sắc. Các cấp hội Lào Cai đã vận động đồng bào phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, “gạn đục, khơi trong” phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đề nghị T.Ư Hội tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa thông qua các “sân chơi” là hội thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể thao do Hội tổ chức. 

Ông Trần Văn Hận - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tây Ninh
Nông dân bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc rất tốt. Nhưng cũng có cái Hội phải tham gia tích cực hơn, nhất là việc tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng. Lễ hội, tín ngưỡng hiện còn lem nhem với các hoạt động mê tín dị đoan, không chỉ ND mà có cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng mê tín dị đoan…

Ông Nguyễn Hữu Nhị-Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An
Cần phải tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ hội về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền. Cán bộ hội mà không nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến tam nông thì làm sao tuyên truyền? Vì thế, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động hội viên, ND, trước hết phải từ đổi mới công tác cán bộ. 

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Đời sống văn hóa tinh thần của người ND hiện không chỉ nghèo nàn, lạc hậu, thiếu sân chơi mà những cái đang tồn tại lại có chiều hướng méo mó. Hội cần khơi dậy không khí, âm nhạc, ca hát lành mạnh ở nông thôn, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem