Nói ngọng và làm “ngọng”

Thứ sáu, ngày 13/09/2013 13:22 PM (GMT+7)
Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có 1.094 trường hợp cấp giấy khai sinh sai họ. Nguyên nhân là do cán bộ tư pháp xã viết sai chính tả, biến tất cả các tên họ có dấu ngã về dấu hỏi.
Bình luận 0
Chuyện này không mới, trước đây từng có vụ người dân ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đi làm sổ đỏ nhưng chính quyền không nhận hồ sơ. Nguyên nhân là do tên trong hồ sơ và giấy chứng minh nhân dân không trùng nhau. Hỏi ra mới tá hỏa, cán bộ địa chính huyện viết sai chính tả, biến dấu ngã thành dấu hỏi, X thành S.

ĐBSCL được xem là “vùng trũng” giáo dục, không phải hiện nay mà từ nhiều năm trước. Cán bộ sử dụng bằng giả nhiều nhất cũng thuộc các địa phương này. Những cái bằng giả này là một phần nguyên nhân của việc viết sai chính tả trên giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và giấy tờ hành chính như đã xảy ra.

Nhưng nói ngọng dẫn đến viết sai giấy tờ khiến người dân phải vất vả lui tới cơ quan nhà nước để chỉnh sửa, có thiệt hại về thời gian và tiền bạc, nhưng không gánh chịu hậu quả nghiêm trọng bằng việc cán bộ yếu kém dẫn đến làm “ngọng”.

Tỉnh Sóc Trăng, năm 2011 phát hiện 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có nhiều viên chức ngành giáo dục. Những cán bộ và giáo viên dùng bằng giả này sẽ làm “ngọng”, hậu quả của nó không thể lường hết. Người thầy mà không có kiến thức , vậy thì dạy cái gì cho học sinh ngoài những thứ chắp vá què cụt. Những người thầy này sẽ đào tạo ra những thế hệ học trò yếu kém về học lực cũng như đạo đức.

Còn nữa, Cà Mau từng phát hiện nhiều cán bộ trong các cơ quan tố tụng sử dụng bằng giả. Đúng như một cán bộ tòa án cấp trung ương từng phát biểu trước Quốc hội về chuyện “vơ bèo vạt tép” để bổ nhiệm thẩm phán. Những cán bộ cầm nắm sinh mạng chính trị, tài sản, sức khỏe của công dân qua các vụ án, mỗi kết luận của họ là một số phận công dân, nhưng với kiến thức... hổng của họ ai dám nói là sẽ không làm “ngọng”. Trong lĩnh vực tư pháp, người chấp pháp có tâm ngay thẳng chưa đủ, mà quan trọng là phải tinh thông pháp luật. Án oan sai còn nhiều chẳng phải là vì cán bộ của các cơ quan tố tụng làm sai đó sao!

Từ chuyện cán bộ nói ngọng, viết ngọng ở Vĩnh Long, có thể nhìn rộng ra cán bộ làm “ngọng” ở nhiều địa phương khác, trong nhiều lĩnh vực khác, để thấy rằng tuyển dụng và đề bạt cán bộ viên chức, lãnh đạo trong bộ máy nhà nước còn có quá nhiều bất cập.

Sai tấm giấy khai sinh có thể sửa. Sai một chính sách sửa không dễ dàng. Sai một bản án- cái giá là số phận một công dân.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem