Nơi người dân nói như chim hót

Thứ hai, ngày 27/05/2013 06:39 AM (GMT+7)
Nếu hai người Diêm Điền (Quảng Bình) nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài dù lắng tai nghe cũng không hiểu. Họ nói líu lo và rất nhanh, nghe như chim hót.
Bình luận 0

Người làng Diêm Điền thuộc phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới, Quảng Bình) có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Thái Bình... di cư vào Đồng Hới từ hơn 400 năm trước. Làng nằm trên doi đất dài, như ngón chân con chim khổng lồ duỗi ra. Nhiều người nói vui là có lẽ do vậy nên người Diêm Điền mới có tiếng nói tựa như... chim hót.

Ngay người làng Diêm Điền cũng thừa nhận là họ nói líu lo và rất nhanh. Họ phát âm sai nhiều từ, ngữ âm, thổ âm quá nặng, khi nói lại lên bổng xuống trầm, nhấn mạnh, đãi dài ra... liên tục. Nếu hai người Diêm Điền nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài làng dù có lắng tai nghe cũng không hiểu.

Ông Hoàng Mạnh Châm, người làng Diêm Điền, giải thích người làng không nói đúng được các chữ có từ đứng đầu như s, tr, d... Với các từ này họ sẽ nói sang th, t, r. Hoặc chữ l, n thì nói như một số tỉnh phía Bắc sang n, l. Thanh ngang nhiều lúc họ phát âm như thanh huyền, như không thành ra khồng, ăn thành ằn, ba thành bà... Ngược lại, trong một số trường hợp, đôi khi chữ có thanh huyền họ phát âm ra thành thanh ngang, như ngày lại nói thành ngay...

Chữ có dấu hỏi, dấu ngã là khó nói nhất nên người dân thường phát âm chữ hỏi thành ra lơ lớ giữa hoi, hói, hòi, hoặc chữ ngủ nghe na ná chữ ngù, ngũ, ngụ... như đang luyến láy một nốt nhạc. Bởi vậy, người Diêm Điền đi ra khỏi làng hoặc khi tiếp xúc với người khác thường chuyển sang nói bằng giọng Bắc, hay giọng các làng khác ở Đồng Hới. Người đi làm việc cho Nhà nước, hay đi làm ăn xa cũng phải vậy để giao tiếp được dễ dàng hơn.

Nhưng dù có đi xa, người Diêm Điền luôn ý thức giữ gìn giọng nói của mình. Nhà bà Hoàng Thị Hường (81 tuổi) nằm sát ngay ranh giới hai làng Diêm Điền và Nam Lý (thuộc phường Nam Lý) và chỉ cách nhau cái ngõ nhỏ. Vậy nhưng chưa bao giờ bà quên giọng nói gốc gác Diêm Điền của mình. Khi "sang" chơi với người Nam Lý bà nói giọng Nam Lý, về nhà bà lại nói với cháu con giọng gốc của mình. "Quê ai lói giọng quê lấy, khồng có chuyện tháo tộn qua nại chi hết", bà Hường nói.

Chính việc phát âm sai chính tả và ngữ điệu, âm điệu như chim của người Diêm Điền mà có biết bao chuyện vui được truyền tụng trong cộng đồng. Ông Phạm Phước, người Diêm Điền, vốn vẫn hay trào lộng về tiếng nói của làng mình, kể: "Có cô gái người làng Diêm Điền đi chơi với người yêu ở làng khác, nói chuyện với bạn trai cô nói toàn giọng Bắc. Chơi một lúc, anh con trai với tay ôm cô gái, cô hoảng quá, quên mất mình là người Diêm Điền đang nói giọng Bắc, vậy là nói luôn giọng Diêm Điền: khồng được khồng được, thả tớ ra kẻo vê nha mạ tớ mắng, đánh tớ u tôốc thì nàm thao (không được không được, thả tớ ra kẻo về nhà mẹ tớ mắng, đánh tớ u đầu thì làm sao)!".

img
Người Diêm Điền có nghề truyền thống là xây và mộc. Ảnh: báo Quảng Trị.

Ông Hoàng Mạnh Châm kể tiếp chuyện vui: "Có chàng trai người Diêm Điền hẹn hò với cô gái khác làng dưới ánh trăng, bất ngờ chàng nói tiếng làng mình: Hồm này tời thao thưa, tăng tháng thủa em hè" (Hôm nay trời sao sưa, trăng sáng sủa em nhỉ)! Té ra anh chàng vì quá hồi hộp nên quên mất tiếng... phổ thông. Năm 1972, một lần đơn vị mình hành quân đêm giữa rừng, mình phát hiện tước mặt có một cái hố thâu, bèn tuyền ra thau hang quân là phía tước có hố! Chẳng hiểu giọng nói của mình nàm thao mà các bố nính nại tưởng là mình nói phía tước có hổ, thế nà cả bọn ho nhau chạy tán noạn cả".

Một thợ xây người Diêm Điền góp chuyện, thợ Diêm Điền ở trên mái nhà nói với một thợ người làng khác đứng phía dưới là "May ném cho tớ cái rựa (như dao quắm) với!". Anh thợ ở dưới cứ nói với lên: "Khi nãy tao bỏ một cái trên đó rồi, ngay dưới chân mi đó". Nói qua nói lại không được, tìm quanh tìm quất mãi vẫn không thấy cái rựa đâu, anh thợ người Diêm Điền phải trèo xuống lấy lên. Té ra do giọng nói của anh thợ người Diêm Điền ở tiếng "rựa" đã được nhấn mạnh, nặng nề nghe cứ na ná như "rưa", "rửa", "rữa"... nên anh kia cứ tưởng là đang cần... bật lửa hút thuốc.

Và đây là câu chuyện có thật. Một thanh niên làng bên lấy cô gái người Diêm Điền. Một lần đưa cô đi khám bệnh đau bụng, ra khỏi phòng khám nước mắt cô vòng quanh. Tưởng mắc bệnh gì nặng lắm, hỏi mãi cô mới nói: "Họ hoi lúc tháng đã ằn uống nhi chưa để nàm xét nghiệm máu. Nói với họ nà có đi uống nhiều nần nước tong (nước trong) rồi. Rứa ma họ cứ bóp bụng nói nà đã bị tiêu chảy vi ngộ độc thức ăn. Em bảo nà không phải, lói mãi lói mãi thi họ mắng: đã đi ra nước tong tỏng rồi mà còn khồng phải nà tiêu chảy!".

Nghiên cứu về văn hóa dân gian, ông Nguyễn Văn Tăng, Chánh văn phòng Hội Di sản văn hóa văn nghệ tỉnh Quảng Bình, cho rằng trong từng vùng đất vẫn có nhiều giọng nói, lẫn lộn và xen kẽ nhau... Theo gia phả của người Diêm Điền, họ di cư từ phía Bắc vào, mang theo thổ ngữ của vùng đất mà họ sống từ xa xưa. Đã bao đời họ sống giữa lòng thành phố Đồng Hới nhưng vẫn giữ được tiếng nói và ngôn ngữ gốc, điều đó cho thấy tính bền vững của ngôn ngữ gốc.

"Khi đi làm ăn xa, người Diêm Điền phải giữ được tiếng nói, ngôn ngữ riêng của mình, nếu mất đi họ sẽ mất gốc. Sự gắn kết cộng đồng của người làng rất chặt chẽ, tính quần cư của họ rất cao. Đó là yếu tố quan trọng để họ có tiếng nói khác lạ với xung quanh như hiện giờ", ông Tăng giải thích.

Theo báo Quảng Trị
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem