Từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn cả nước “khóc ròng” vì giá lợn hơi bán tại chuồng xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 20.000-25.000 đồng một kg, thậm chí có nơi chỉ còn khoảng 10.000 - 15.000đ/kg, giảm trên 60% so với trước, khiến người nuôi phá sản.
Bình thường để nuôi một con lợn đạt 100kg phải mất hơn 3 tháng, trong khi chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y… tốn trên 3 triệu đồng. Với mức giá hiện nay, cứ một con lợn bán ra người chăn nuôi chịu lỗ cỡ 2 triệu đồng/con.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, trước hết nguyên nhân bao trùm là cung vượt cầu, theo số liệu thống kê cho thấy trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính: Một là, do người chăn nuôi vẫn phát triển tự phát, chăn nuôi theo tâm lý “đám đông”.
Hai là, đang có “vấn đề” từ khâu dự báo, tổ chức tiêu thụ, chế biến đến điều tiết cung cầu thị trường...
Ba là, thương lái (thương lái, giết mổ, buôn bán lẻ...) đang lũng đoạn thị trường.
Lợi dụng khó khăn, thương lái ép giá người chăn nuôi, nhưng đẩy giá bán lẻ cao gấp 2-3 lần, toàn bộ phần chênh lệch giữa giá bán lợn tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng đang chảy vào túi bộ phận trung gian, nhất là người bán lẻ và thương lái, làm hạn chế sức mua người tiêu dùng.
Người chăn nuôi đang bí bách vì giá lợn xuống thảm. Ảnh: Trần Đáng
Cung vượt cầu, nhưng không phải Việt Nam đang thừa thịt mà sức mua của người dân có vấn đề, giá bán tại chợ, siêu thị ở mức cao hạn chế trong khi thu nhập của người dân chưa cao khiến nhu cầu bị hạn chế.
Với giá bán tới cả trăm nghìn đồng/kg tại siêu thị, nếu giá chỉ là 50.000 đồng/kg thì có thể mua được 2kg.
Ngoài ra, tại các nước tiên tiến, mức tiêu thụ thịt (các loại) bình quân đạt mức 97 -102kg/người/năm, Việt Nam hiện nay mới đạt mức bình quân 50 - 52kg/người/năm. Trong khi đó, thịt chủ yếu được tiêu thụ ở các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Vùng sâu, vùng xa, miền núi...sức tiêu thụ thịt rất thấp dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao: 24,6% thấp còi, 14,5% nhẹ cân… Nguyên nhân chủ yếu do khẩu phần ăn đơn điệu.
Thịt lợn ở vùng Dồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ...đang có tình trạng “ứ thừa”, nhưng theo tôi chỉ là “ứ thừa” cục bộ, nhiều vùng trong nước như Tây Nguyên, miền núi...vẫn đang khan thiếu thịt.
"Sao không mang thêm những miếng thịt này về vùng cao" - TS Khanh trăn trở. Ảnh: PT
Giải pháp tức thời để giải cứu giá lợn xuống thấp hiện nay, cần làm ngay 3 điều: Một là, phải làm tốt công tác điều tiết thị trường, luân chuyển thịt lợn từ nơi thừa đến nơi thiếu, nhà nước cần hỗ trợ phí vận chuyển để các doanh nghiệp thực hiện.
Hai là, tăng sức mua của người tiêu dùng, kiểm soát chặt khâu trung gian để hạ giá thịt bán lẻ.
Ba là, khuyến khích khâu chế biến để tăng nhu cầu người tiêu dùng.
Bài học thanh long, dưa hấu, vải thiều và giờ là thịt lợn... cho chúng ta thấy cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài, không thể “ăn xổi ở thì” như hiện nay.
Một số giải pháp các bộ, ngành, địa phương đưa ra như hạn chế chăn nuôi, đưa chăn nuôi vào ngành sản xuất có điều kiện, hạn chế chăn nuôi lợn nái, hạn chế xây dựng mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi...là nóng vội vì chỉ giải quyết cái trước mắt, về lâu dài rất nguy hại.
Giải pháp lâu dài phải là Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về công tác dự báo thị trường, quản lý thị trường, tổ chức lưu thông, chế biến, tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về tổ chức chuỗi sản xuất trong chăn nuôi. Hai bộ này phân định rạch ròi ra và thực hiện tốt những phần việc trên thì giải cứu lợn thịt mới thành công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.