Nông dân bỏ GAP vì phí chứng nhận cao

Thứ tư, ngày 21/11/2012 08:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều hợp tác xã (HTX) và nông dân đã “bỏ rơi” GAP sau 1 - 2 năm thực hiện, trong khi đây lại đang là chủ trương phát triển của Nhà nước.
Bình luận 0

Năm nay, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) bán đắt hàng, giá cả lại cao. Đơn đặt hàng tới từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng HTX không có đủ hàng để bán. Nguyên nhân do nhiều xã viên trước đó đã bỏ quy trình sản xuất theo GAP mà hàng hóa xuất khẩu lại yêu cầu phải đạt chuẩn Global GAP.

Tương tự, HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ EU, Canada… Đây là 2 HTX được xem là điển hình của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được cấp chứng nhận GlobalGAP đầu tiên ở ĐBSCL vào năm 2008, còn bưởi Năm roi Mỹ Hòa nhận năm 2009. Thế nhưng chỉ 1 năm sau khi chứng chỉ hết hạn, 2 HTX này không có kinh phí tái kiểm tra công nhận nên bỏ luôn.

Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, áp dụng GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ hơn 250 tiêu chí và trả chi phí chứng nhận khá cao (khoảng 3.000 - 5.000 USD/mô hình, tùy diện tích). Nếu muốn duy trì phải trả chi phí chứng nhận lại nhưng do đầu ra mấy năm nay không ổn định, giá bán lại cào bằng với sản phẩm không có GAP nên một số nông dân không muốn đầu tư tiếp.

Đồng quan điểm trên, ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cũng cho rằng, chi phí cấp các chứng nhận GAP hiện quá cao, nông dân không kham nổi. “Chứng nhận VietGAP tốn 1,5 – 2 triệu đồng/ha, GlobalGAP 4 triệu đồng/ha, các chứng chỉ quốc tế khác cũng có giá cao ngất ngưởng” – ông Hóa cho biết.

“Lợi ích kinh tế của các sản phẩm sản xuất theo GAP chưa rõ ràng, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh khiến nhiều nông dân e ngại là điều có thể hiểu” – ông Quảng nhìn nhận.

Mặt khác, để phát động phong trào, lôi kéo nông dân tham gia nên toàn bộ chi phí ở đại đa số các diện tích trái cây được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP tại vùng ĐBSCL vừa qua đều do các doanh nghiệp hoặc Nhà nước bỏ ra tài trợ hết. Thế nên mọi việc lúc đầu đều xuôi chèo mát mái, ai ai cũng hồ hởi. “Đến khi Nhà nước thả ra, hết o bế nữa thì một năm sau khi giấy chứng nhận hết giá trị, không có tiền tái chứng nhận, đứa con èo uột đó té liền. Điều đó chứng tỏ Nhà nước có công “đẻ” mà không có công “nuôi” thì với sự yếu ớt của mình, đứa con đó trước sau cũng chết” - TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam ví von.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem