Nông dân công nghệ cao "nở rộ" ở đất thép Củ Chi

Nhiên Di Thứ ba, ngày 30/05/2017 13:45 PM (GMT+7)
Củ Chi (Tp.HCM) đang trở thành vùng đất màu mỡ của nông nghiệp công nghệ cao. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nông dân chuyển hướng sang đầu tư sản xuất nông nghiệp tại đây.
Bình luận 0

Ứng dụng công nghệ, không lo đầu ra

Nhiều năm nay, ở ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, doanh nghiệp Tân Lộc Mai, đã biến 1ha đất nhiễm phèn nặng thành trang trại rau canh tác theo hướng hữu cơ để xuất khẩu. Trang trại được đầu tư cơ sở hạ tầng gồm nhà lưới, nhà kính, vườn ươm để trồng nhiều chủng loại rau. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đều được sơ chế để đóng gói xuất khẩu sang châu Âu bằng đường hàng không.

img

Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: N.D

Bà Võ Thị Tuyết Lan – Giám đốc công ty cho biết: “Chỉ 1ha đất thôi nhưng vốn đầu tư vào đã hơn 9 tỷ đồng. Nhưng giá trị nó mang lại về lâu dài cao hơn rất nhiều. Toàn bộ sản phẩm của chúng tôi đều được tiêu thụ thông qua xuất khẩu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của quốc tế. Sản phẩm của Tân Lộc Mai đã đi được 15 nước và tiến tới sẽ vươn xa hơn nữa. Do đó khâu đào tạo và liên kết với nông dân cũng rất quan trọng. Từ đầu tư tới thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đến đảm bảo đầu ra. Đó đều là quy trình khép kín bắt buộc phải làm trong thời đại mới hiện nay”.

Cùng tư duy như bà Lan, chị Đăng Lê Thị Thanh Huyền, chủ nhân của vườn lan Huyền Thoại ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây cũng đang liên kết với người nông dân để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Từ việc yêu thích cây lan, gia đình chị Huyền đã phá đất trồng cao su kém hiệu quả chuyển sang trồng hoa lan.

Với diện tích 5ha, chị Huyền đầu tư 300 luống và hệ thống tưới phun tự động với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Các giống lan chị trồng gồm 140.000 gốc lan Mokara; trong đó có 15 loại giống và 10.000 gốc lan Denrobium. Theo tính toán của chị Huyền, khi đi vào thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán hoa lan.

Các trang trại nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều đã biến Củ Chi thành địa điểm lý tưởng để kết hợp du lịch gắn với nông nghiệp. Tại Củ Chi, các tuyến du lịch đang được khai thác mạnh như: Địa đạo Củ Chi – kết hợp với các điểm sinh thái, nhà vườn, địa đạo Củ Chi kết hợp với các điểm nông trại xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao. Tour du lịch trải nghiệm “một ngày làm nông dân” tại Củ Chi kết hợp với các làng nghề truyền thống…

Từ thành công của gia đình mình, chị Huyền đã liên kết với các nhà vườn khác để thành lập HTX Hoa lan Huyền Thoại. “HTX là một hình thức gắn kết giữa các thành viên với nhau, có cùng tâm huyết, quyết tâm phát triển mô hình trồng lan mokara cắt cành theo hướng chuyên canh cánh đồng mẫu lớn, có áp dụng công nghệ cao, gắn liền với việc mở rộng thị trường tiêu thụ” – chị Huyền chia sẻ.

Năng suất tăng lên gấp 3 – 4 lần

Không chỉ có những doanh nghiệp quan tâm tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, những người sản xuất nhỏ cũng đã đổi mới công nghệ của mình. Trên diện tích 8.000m2 đất, anh Ngô Nguyễn Văn Minh Quang, ấp Cây Trắc xã Phú Hòa Đông đã đầu tư 2 nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động để trồng dưa lưới. Toàn bộ chi phí anh bỏ ra là 750 triệu đồng, mỗi năm trồng 4 vụ dưa lưới với năng suất 35 tấn/ha/vụ, trên diện tích 3.000m2 mỗi năm thu 10 tấn với giá bán 20.000đ/kg, thu được 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí khấu hao tài sản lợi nhuận 100 triệu/năm trên mỗi nhà lưới.

img

Ngày càng nhiều người đổ về Củ Chi để làm nông nghiệp công nghệ cao 

“Thay vì lối trồng theo lối truyền thống, thủ công ngày xưa, tôi ứng dụng công nghệ cao với đưa vào nhà màng, sản lượng có khi gấp 2 hoặc gấp 3 lần. Vì trồng truyền thống sẽ chịu ảnh hưởng của nhiệt độ, mưa, nắng, gió, phụ thuộc vào thời tiết” – anh Quang cho hay.

Hay như anh Phạm Chí Tâm, ngụ ở tổ 7, ấp Bình Hạ Đông xã Thái Mỹ đã không ngại bỏ vốn ra để đầu tư lắp đặt hệ thống này cho mảnh đất hơn 1ha trồng rau của mình. Anh Tâm cho biết: “Nếu đầu tư một hệ thống tưới tiết kiệm hoàn chỉnh đúng công thức bao gồm ống nước tiếp thủy, van khóa nước, bơm cao áp thì chi phí đầu tư lên tới 60 triệu/ha, để tiết kiệm chi phí tôi đã điều chỉnh lại một số công đoạn để giảm chi phí đầu tư chỉ còn 40 triệu/ha”.

Hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân thông qua hệ thống tưới đã giúp anh Tâm giảm đáng kể chi phí đầu tư nhờ việc tiết kiệm công lao động, tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nước từ 30 – 40% so với lúc chưa lắp đặt hệ thống. Thông thường với 1 ha đất của mình anh cần có 5-6 công để chăm sóc, bón phân thì sau khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm số lượng công lao động giảm đáng kể chỉ còn 1- 2 công. Trung bình trên 1ha trồng khổ qua anh có thể thu được 32 tấn/vụ so với khi chưa lắp đặt hệ thống chỉ dao động trong khoảng 15 tấn – 20 tấn/vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem