Ông Nguyễn Hải Nam (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar) thu hoạch được 8 tấn cà phê nhân từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm này ông mới bán 2 tấn để mua phân bón, dầu tưới, thuê nhân công, còn lại chờ giá tốt mới bán. Còn những nông dân thu xếp được tài chính để tái đầu tư cho vườn cây, đến thời điểm này họ vẫn chưa bán hạt cà phê nào, dù giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã lên 39,5 - 39,7 triệu đồng/tấn.
|
Người trồng cà phê đang nắm giữ 50% khoảng 600.000 tấn cà phê nhân. |
Ông Phạm Ngọc Bằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Cà phê Đăk Man - nhận định: “Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nông dân Tây Nguyên vẫn đang nắm giữ khoảng 50% sản lượng cà phê niên vụ 2011 - 2012, trong khi cùng kỳ nhiều năm trước họ đã bán hết cho các đại lý, doanh nghiệp rồi”.
Theo nhận định của các nhà quản lý, xuất khẩu thì lượng cà phê bán ra ít do 3 nguyên nhân: Một là sau nhiều năm cà phê được giá, người trồng cà phê đã tích trữ được một lượng vốn nhất định, nhu cầu mua sắm cũng không còn bức thiết nên không cần bán cà phê ngay.
Hai là sau khi hàng loạt doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi cà phê vỡ nợ nên nông dân không ký gửi nữa, từ đó lượng cà phê ra thị trường cũng ít hơn. Ba là năm nay các doanh nghiệp Việt Nam không ký hợp đồng giao sau nên không bị áp lực về thời gian giao hàng, nhờ đó không có tình trạng đẩy giá lên để tranh mua.
Vấn đề được quan tâm là khi nông dân “găm” hàng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê có gặp khó khăn gì không? Ông Lê Đức Thống - Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK cà phê 2/9 Đăk Lăk - cho biết: “Nông dân không bán ra ồ ạt thì các nhà đầu cơ không thể ép giá cà phê Việt Nam được, do vậy nông dân sẽ được lợi về giá, cà phê thu hoạch một lần nhưng phải bán cả năm thì mới có lãi được. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì rất khỏe vì không bị áp lực về tài chính, chế biến, bán hàng...
Theo dõi từ đầu vụ đến nay, chúng tôi nhận thấy khi nông dân bán cà phê nhiều là giá xuống ngay, họ ngừng bán thì giá lại lên.
Ông Phạm Ngọc Bằng
Ví dụ năm trước chúng tôi xuất khẩu 80.000 tấn trong vòng 3 - 4 tháng, năm nay cũng xuất khẩu chừng đó nhưng kéo dài tới 7 - 8 tháng thì càng khỏe. Chỉ có các doanh nghiệp ký hợp đồng giao sau thì mới lo, nhưng số này rất ít”.
Ông Võ Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cũng cho rằng: “Chỉ có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất uy tín thì mới lo mất nguồn hàng, còn đa số không bị ảnh hưởng gì. Khi nông dân không bán ra ồ ạt, cà phê không mất giá, nhà nước cũng không phải lo tạm trữ để giữ giá như trước đây”. Cũng theo ông Thanh, tất nhiên nếu cà phê giảm giá thì việc “găm” hàng sẽ dẫn đến thiệt hại, nhưng về nguyên tắc khi lượng bán ra ít thì không thể mất giá được.
Đồng Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.