Nông dân Hà Nội dắt bò đi thi "nam vương", "hoa hậu"
Dắt bò đi thi "nam vương", "hoa hậu", nông dân Hà Nội tự hào có đàn bò "khổng lồ"
Thiên Hương
Chủ nhật, ngày 23/10/2022 05:45 AM (GMT+7)
Sau hơn 1 tháng tổ chức, Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP.Hà Nội năm 2022 đã chọn ra những đội thi xuất sắc cho các phần thi. Trong đó, các đội thi huyện Phúc Thọ, Sóc Sơn, Chương Mỹ giành giải đặc biệt 3 phần thi.
Nuôi bò phát triển, Hà Nội sở hữu đàn bò lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng
Mới đây, tại Sân vận động huyện Phúc Thọ, Sở NNPTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức vòng Chung khảo Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp thành phố Hà Nội năm 2022.
Hội thi có sự tham dự của hơn 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo T.Ư, TP Hà Nội và các tỉnh TP phía Bắc; 10 đội thi đến từ 10 huyện trên địa bàn TP và đông đảo nhân dân theo dõi cổ vũ.
Trước đó, vòng sơ khảo tổ chức tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Mê Linh và Sóc Sơn. Từ đó, chọn ra 10 đội tham dự vòng chung khảo. Mỗi đội thi là tập hợp của hai hộ chăn nuôi và hai cá thể bò.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt là một trong những hướng đi được lãnh đạo thành phố quan tâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng đồi gò, vùng bãi ven sông của Hà Nội. Theo đó, những năm qua, thành phố đã có các chính sách nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi bò theo hướng nâng cao chất lượng, mục tiêu chính là sản xuất giống để cung cấp cho hộ chăn nuôi trên địa bàn, các tỉnh lân cận và cả nước.
Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội giao Sở NNPTNT tổ chức Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò trên địa bàn TP, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.
Hội thi cũng là dịp động viên, khuyến khích người chăn nuôi bò thịt tăng quy mô đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tính năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới; đồng thời là cơ hội để giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Trên thực tế, sản lượng thịt bò thành phố Hà Nội tự cung ứng hiện mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân, vì vậy hội thi là cơ hội quý báu để tăng cường liên kết, hợp tác trong các chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ thịt bò giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trên cả nước nhằm đáp đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội thi, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua của Hà Nội về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc về chăn nuôi.
Hiện nay, Hà Nội là địa phương đứng tốp đầu cả nước về tổng đàn và chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ cao được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi bò đã có nhiều đột phá, với các giống bò "khổng lồ", cho chất lượng cao được đưa vào sản xuất, qua đó giúp người chăn nuôi trên địa bàn TP có lợi nhuận và thu nhập ổn định.
Cụ thể, Hà Nội hiện có tổng đàn bò trên 130.000 con, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong đó đàn bò thịt và bò sinh sản hơn 117.000 con. Cơ cấu giống bò đa dạng với nhiều giống bò chất lượng cao: 65% bò lai Zebu, gần 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu, BBB...).
Công tác phát triển giống bò thịt của TP. Hà Nội đã được định hình rõ nét theo 3 nhóm chiến lược: Nhóm bò thịt năng suất cao (BBB, Charolais, Angus); nhóm bò thịt chất lượng cao (Wagyu) và nhóm bò kiêm dụng (Red Sind, Brahman, Senepol,...).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Những thành quả của chăn nuôi Hà Nội đạt được nhờ được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP, với sự vào cuộc của các sở ban ngành, là một trong những địa phương sớm thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định vùng và chính sách cho chăn nuôi.
Hà Nội đã coi công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng để tạo những bước đột phá cho những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, có tính cạnh tranh trên thị trường, đã có những chính sách phát triển chăn nuôi kịp thời, tiếp thu nhanh những tiến bộ kỹ thuật về giống,...
Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý theo dõi bò sinh sản. Theo đó, đã tổ chức giám định, bình tuyển, gắn chip điện tử cho 5.000 con bò cái lai Zebu và 3.000 bê lai chất lượng cao để đưa vào quản lý giống.
Tỉ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò sinh sản tại Hà Nội hiện rất cao, đạt trên 90%. Số bê sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt khoảng 60.000 con/năm, cung cấp cho thị trường trên 50.000 con bò giống, bê giống các loại, gồm: BBB, Angus, Wayu, Charolais, Brahman… Khối lượng bò lai xuất chuồng ở 18 - 24 tháng đạt bình quân 550 - 600kg.
Là người đoạt giải có cá thể bò đẹp - nhóm bò lai hướng thịt, ông Đặng Đình Quý ở huyện Chương Mỹ phấn khởi nói: "Giống bò 3B này tỷ lệ thịt xẻ cao, tôi nuôi đã được 27 tháng. Thức ăn cho giống bò này không hề kén chọn, đặc biệt tăng trọng nhanh hơn so với các loại khác, giá bán cũng cao hơn".
Phát triển chăn nuôi bò bền vững, đẩy mạnh liên kết
Để khai thác tốt tiềm năng trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NNPTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, sở, ban, ngành liên quan phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn áp dụng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu lai tạo bò thịt, tiêu thụ thịt bò trên địa bàn TP Hà Nội, cung cấp cho các tỉnh lân cận và cả nước.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt chủ yếu tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức…
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, đàn bò thịt, bò sinh sản có quy mô 150.000 - 155.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 13.000 - 15.000 tấn/năm. Tăng số lượng đàn bò sinh sản khoảng 3%/năm ở vùng trọng điểm, giảm quy mô chăn nuôi thương phẩm. Đến năm 2030, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đạt trên 90% tổng đàn, trong đó lai tạo giống bò cao sản 50%.
Sở NNPTNT sẽ đề xuất với UBND TP Hà Nội có cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu về chăn nuôi bò. Về phía các huyện, thị xã cũng cần có cơ chế riêng để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Đồng thời phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn TP. Đặc biệt là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho dẫn tinh viên và cán bộ thú y cơ sở...
Sau hơn 1 tháng tổ chức, Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP.Hà Nội năm 2022 đã chọn ra những đội thi xuất sắc cho các phần thi. Đội thi huyện Phúc Thọ đạt giải Đặc biệt phần thi kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt; Đội thi huyện Sóc Sơn đạt giải Đặc biệt phần thi cá thể bò sinh sản; Đội thi huyện Chương Mỹ đạt giải Đặc biệt phần thi cá thể bò vỗ béo.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho các đội thi còn lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.