Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần, tam nông luôn là vấn đề lớn của đất nước, và báo chí, văn học nghệ thuật cần theo sát, phản ánh kịp thời những vấn đề nóng, nổi bật của lĩnh vực này.
Ngược thời gian một chút, tại sao trong suốt sự nghiệp làm phim của mình, ông lại yêu thích và làm nhiều phim về đề tài nông thôn, nông dân như vậy?
- Từ khi tôi nhận kịch bản để làm bộ phim đề tài nông thôn “Đất và người” cũng là lúc tôi bắt đầu yêu thích mảng đề tài này. Tôi nhận thấy khi bộ phim ra đời hiệu ứng xã hội quá lớn! Thông qua bộ phim, rất nhiều người tiếp xúc với tôi, chia sẻ và bày tỏ sự quan tâm với những vấn đề của tam nông. Cũng từ đó, tôi thấy là chúng ta vẫn là đất nước nông nghiệp, nên vấn đề nông thôn vẫn là vấn đề lớn và được rất nhiều người quan tâm. Chính bởi vấn đề lớn cùng sự quan tâm lớn đó mà tôi tiếp tục làm các phim “Ma làng” và những bộ phim đề tài nông thôn khác.
Càng làm phim, tôi càng hiểu được tại sao vấn đề nông thôn lại được quan tâm nhiều như vậy. Thứ nhất vì cuộc sống trong thành phố tương đối ổn định, nhưng nông thôn thì luôn có rất nhiều vấn đề thay đổi liển tục như chuyện chuyển đổi đất đai, cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đời sống người nông dân… Cuộc sống của người nông dân luôn phải thay đổi và chuyển động lớn nên việc làm phim về nông thôn là rất cần thiết, để cho người nông dân thấy bà con được quan tâm, thấy con đường được vạch ra cho họ như thế nào... Ở chiều ngược lại, báo chí, văn học nghệ thuật cũng phải góp phần phản ánh, giúp người nông dân thấy rõ được những điều đó.
Cảnh làm phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ảnh: Đ.P
Những vấn đề về nông thôn mà ông tâm đắc trong các tác phẩm của mình là gì?
- Những bộ phim của tôi đề cập phần lớn đến vấn đề nông thôn thời bao cấp như “Đất và người”, “Ma làng”, mà nội dung ở cuối các phim này cũng đã bước sang thời kỳ đổi mới. Về nông thôn thời đã đổi mới thì tôi làm phim “Gió làng Kình” và “Ma làng 2”. Nông thôn giờ không còn nếp sống thuần nông như trước nữa, đường làng đã như thành phố rồi, nhiều lũy tre biến mất. Nhưng hỏi ta có luyến tiếc không thì tại sao ta lại phải tiếc, vì đó là sự phát triển của đời sống người nông dân, nông thôn. Nhưng trong sự phát triển này thì còn ẩn chứa rất nhiều vấn đề như công ăn việc làm của thanh niên nông thôn, chuyển đổi sản xuất có nơi rất phát triển có nơi lại chậm trễ..., làm sao để hòa nhập với cuộc sống chung không phải là vấn đề đơn giản.
Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam vừa phát động cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Ông có quan tâm và đánh giá gì về cuộc thi viết này?
- Trong khi nhiều tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh quan tâm quá nhiều vào đề tài tình yêu tay ba tay tư, lối sống đô thị... mà thiếu phản ánh cuộc sống nông thôn, nông dân, việc phát động thi viết về nông thôn là hết sức cần thiết. Cuộc thi sẽ động viên, tạo cơ hội để các nhà văn, nhà báo viết về vấn đề này, chịu khó tìm hiểu về nông thôn để viết cho sâu sắc. Khi người nông dân đọc thấy được những vấn đề mình quan tâm trong đó thì họ sẽ rất hạnh phúc vì tìm thấy mình, cũng như biết được con đường tiếp theo họ sẽ phải đi... |
Ông có đang làm tác phẩm nào về đề tài nông thôn?
- Tôi đang làm phim tài liệu “Người quê” cho Đài Truyền hình Việt Nam, nội dung đề cập đến những người nông dân dám đổi mới, sáng tạo, thay đổi cách làm của mình... Những chân dung và cách làm của họ khiến tôi cảm thấy rất hữu ích cho cộng đồng, xã hội.
Nhìn rộng ra, ông nghĩ gì về mảng phim nông thôn hiện nay?
- Lâu nay phim truyền hình về đề tài thành phố nhiều quá, toàn chuyện tình yêu, gia đình... mà ít quan tâm đến đề tài nông thôn. Một phần lý do cũng bởi vì những người làm phim hiện nay phần lớn là các bạn trẻ, sống ở thành phố và không hiểu nông thôn, không bỏ ra nhiều thời gian để hiểu nông thôn như thế nào... nên mảng đề tài nông thôn trong phim ảnh đang bị yếu. Vì vậy việc chúng ta phát động phong trào viết truyện, viết báo và cả kịch bản phim về nông thôn, vận động viết về nông thôn, quan tâm đến đề tài nông thôn và nông dân là việc cần thiết phải làm.
Xin cảm ơn đạo diễn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.