Nông dân háo hức mong chờ được gặp Thủ tướng tại hội nghị đối thoại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng

Thu Hà Thứ hai, ngày 30/12/2024 15:31 PM (GMT+7)
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, nhiều nông dân, HTX phấn khởi cho biết, đã rất mong chờ, háo hức và kỳ vọng rất lớn vào Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần này.
Bình luận 0

Sáng ngày 31/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới" sẽ chính thức diễn ra.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao trực tiếp thực hiện.

Là đại biểu nông dân vinh dự tham gia Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại lần này, bà Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đã có mặt tại Hà Nội từ sáng ngày 30/12.

Nông dân háo hức mong chờ được gặp Thủ tướng tại hội nghị đối thoại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bảy thu mua sản phẩm làm từ cỏ gianh của các hộ dân liên kết với HTX. Ảnh: Phạm Hoài.

Bà Nguyễn Thị Bảy phấn khởi cho biết: "Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi được Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ và đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn đối với người nông dân chúng tôi".

Chia sẻ về mô hình của mình, bà Bảy cho biết: Từ nhỏ bà Bảy đã có sở thích đan lát và thêu thùa. Năm 1996, bà Bảy đã tìm hiểu về nghề mây tre đan. Sau đó, bà Bảy tham gia lớp đào tạo nghề đan lát do huyện Tân Lạc tổ chức.

Sau lớp đào tạo, do có năng khiếu về nghề mây tre đan nên bà đã được huyện Tân Lạc chọn để dạy nghề cho các lớp trên địa bàn huyện. Sau những lần đi dạy nghề cho người dân, bà Bảy đam mê với nghề đan lát lúc nào không hay; bà muốn đi các nơi để học hỏi, nâng cao tay nghề rồi về truyền dạy cho người dân. Năm 2013, bà Bảy thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú. HTX của bà Bảy đã tạo việc làm, thu nhập cho 600 lao động nông nhàn ở địa phương.

Bà Bảy chia sẻ: Nhu cầu về đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn hiện nay là rất lớn, đối tượng không chỉ là những người nông dân đơn thuần, mà còn có cả những lao động trung niên có đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng không đủ tiêu chuẩn vào các nhà máy, cần được đào tạo để chuyển đổi nghề hay những công nhân không còn đủ điều kiện làm việc trong khu vực công nghiệp trở về nông thôn…

"Tôi rất mong thông qua Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 lần này, Chính phủ se có những giải pháp cụ thể, thiết thực để đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn"- bà Bảy nói.

Nông dân háo hức mong chờ được gặp Thủ tướng tại hội nghị đối thoại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng- Ảnh 2.

Tại địa phương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hữu Quý còn là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà. Hàng năm anh tư vấn, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi gà trong thôn, trong xã và chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người đến thăm quan mô hình.

Cũng tham gia Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Hữu Quý ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang bày tỏ niềm vui, phấn khởi.

"Tôi rất vui mừng khi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam thường viên mỗi năm. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với nông dân Việt Nam. Đây là dịp để nông dân chúng tôi được nói lên những tâm tư, nguyện vọng trực tiếp đến Thủ tướng Chính phủ" – ông Quý nhấn mạnh.

Ông Quý chia sẻ: Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Trong một số năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi đã có bước phát triển mạnh về quy mô, năng xuất, chất lượng sản phẩm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 45% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp, riêng đàn gà trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vào khoảng 17 triệu con.

"Riêng gia đình tôi có 5,4ha vườn đồi thả nuôi 50.000 gà lai chọi thả vườn. Là một nông dân theo nghề chăn nuôi gà đã lâu, tôi muốn chia sẻ, chăn nuôi là một trong những ngành đang đối mặt rất nhiều thách thức như cạnh tranh khốc liệt, diễn biến dịch bệnh phức tạp. Tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại lần này chúng tôi rất mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp, cơ chế kiểm soát gia súc, gia cầm sống, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu…"- ông Quý chia sẻ.

Nông dân háo hức mong chờ được gặp Thủ tướng tại hội nghị đối thoại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng- Ảnh 3.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mong muốn được kiến nghị với Thủ tướng về 2 nhóm vấn đề trong việc triển khai hiện thực hóa các nghị quyết 69 của Chính phủ.

Là cán bộ Hội Nông dân trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết và trách nhiệm, anh Nguyễn Mạnh Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội chia sẻ: Thực hiện kết luận của Thủ tướng tại các Hội nghị đối thoại kỳ trước, lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Thành ủy đã thực hiện đối thoại với nông dân. Vừa qua, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ TNMT tổ chức Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói". Những sự kiện này đã tạo không khí phấn khởi, tin tưởng rất lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân ở cơ sở với Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò "chủ thể", "trung tâm" của chính người dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngày 11/5/2024 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đã thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác Hội, phong trào nông dân nói riêng và đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung.

Liên quan đến Nghị quyết 69 của Chính phủ, anh Nguyễn Mạnh Hiếu bày tỏ: "Tại Hội nghị đối thoại với nông dân lần này, tôi rất mong muốn được kiến nghị với Thủ tướng về 2 nhóm vấn đề trong việc triển khai hiện thực hóa các nghị quyết này.

Thứ nhất: Về cải thiện đời sống nông dân Chính phủ sẽ có biện pháp gì để đảm bảo 100% nông dân tham gia bảo hiểm y tế và gia tăng số lượng nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện? Trong khi mức giá mua bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở đã gây ra nhiều khó khăn cho các hộ hội viên nông dân trong việc tiếp cận các dịch vụ này.

Nông dân háo hức mong chờ được gặp Thủ tướng tại hội nghị đối thoại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng- Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi bên lề Hội nghị với đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam 2023.

Thứ hai:  Về giám sát và đánh giá thực hiện. Chính phủ sẽ thiết lập cơ chế nào để theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị quyết 69? Những chỉ tiêu cụ thể nào sẽ được sử dụng để đo lường sự tiến bộ trong việc cải thiện đời sống nông dân và phát triển nông thôn?

Những cán bộ Hội Nông dân cơ sở như chúng tôi rất mong muốn thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại với nông dân, thể hiện vai trò kiến tạo, đồng hành, chia sẻ cùng nông dân; tạo môi trường thuận lợi để Nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời cụ thể hóa việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tình hình mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem