Kỹ năng cần thiết
Quận Hà Đông (Hà Nội) là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi. Theo Hội Nông dân quận, hiện toàn quận chỉ còn hơn 1.200ha đất nông nghiệp trong khi số người trực tiếp sống bằng nông nghiệp chiếm khoảng 45% dân số. Chính vì vậy, nhu cầu việc làm của người nông dân rất cao, nhất là ở các phường Dương Nội, Phúc La, Hà Cầu, Phú Lãm, Mỗ Lao, La Khê…
|
Qua lớp học “Khởi sự kinh doanh”, chị Đỗ Thị Thanh đã đầu tư thêm máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Đáp ứng nhu cầu đó, đầu năm 2011, Hội Nông dân quận Hà Đông phối hợp với Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ tổ chức 3 lớp học “Khởi sự kinh doanh” cho 90 học viên thuộc các phường Phúc La, Hà Cầu và Dương Nội (NTNN đã phản ánh).
Bà Đỗ Thị Năm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hà Đông cho biết: Nhu cầu việc làm về kinh doanh thương mại, dịch vụ trở nên khá bức thiết ở các khu vực chịu ảnh hưởng của đô thị hóa.
Đến nay, sau 3 tháng triển khai, các lớp học đã căn bản hoàn thành chương trình. Theo đánh giá, bước đầu đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho người nông dân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Chị Đỗ Thị Thanh - một hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ gia dụng phường Phúc La chia sẻ: “Qua lớp học, tôi biết cách làm thế nào sử dụng, quản lý đồng vốn có hiệu quả để việc kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn”. Ông Nguyễn Đức Chí - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phúc La cho biết thêm: “Nhiều tiểu thương bán gạo, cá, rau, tạp hóa… trên địa bàn cũng tỏ ra hào hứng tham gia lớp học”.
Vẫn cần đổi mới nội dung, hình thức học
Mặc dù mang lại kết quả bước đầu song vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn về lớp học “Khởi sự kinh doanh”. Bà Nguyễn Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hà Cầu chia sẻ: “Thời gian học trong vòng 3 tháng, nhưng mỗi tuần chỉ 2 buổi nên hiệu quả dạy nghề vẫn chưa cao, kiến thức chuyên sâu còn hạn chế. Do đó, cần phải tăng thời gian học nghề cho hội viên.
Việc tổ chức lớp học dạy kỹ năng kinh doanh cho nông dân là nội dung quan trọng nằm trong đề án chuyển đổi HTX Nông nghiệp sang dịch vụ thương mại của UBND quận Hà Đông trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Một vấn đề nữa là sĩ số của lớp học không đảm bảo, như ở Phúc La chỉ đạt 70% do học viên hầu hết là trụ cột gia đình, phải lo kiếm tiền. Theo ông Nguyễn Đức Chí, việc gộp tất cả các nhóm tuổi vào một lớp học như hiện nay chỉ có ý nghĩa tạm thời. Còn về lâu dài, cần phân chia nhóm tuổi rồi có cơ chế đào tạo phù hợp. Chẳng hạn như những lao động trẻ từ 18 – 30 tuổi cần đào tạo dài hạn 6 – 12 tháng. Có như vậy mới đi vào chiều sâu và giải quyết việc làm bền vững cho người nông dân.
Bên cạnh đó, hiện nay số lượng lớp nghề còn quá ít so với nhu cầu. Đơn cử như phường Hà Cầu có trên 600 hội viên nông dân, 100% diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi phục vụ phát triển đô thị, nhưng mới mở được 1 lớp nghề cho 30 người. Hay như phường Phúc La hiện có 457 hội viên nông dân, nhưng chỉ còn 11ha đất nông nghiệp cũng mới tổ chức được 1 lớp học. Chính vì thế, trong thời gian tới, các cấp hội cần tăng cường mở thêm lớp học và hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho người nông dân.
An Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.