Khoá học nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam” do T.Ư Hội NDVN thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu Á (ADDA) tài trợ.
|
Giảng viên Trần Minh Hải (trái) hướng dẫn học viên cách thuyết trình dự án trước các nhà tài trợ. |
Lần đầu học viết dự án
Viết dự án và kêu gọi tài trợ những tưởng là kỹ năng của số ít cán bộ. Đó là suy nghĩ của nhiều học viên trước khi tham gia khóa tập huấn. Chị Lù Thị Hồng bản Nong Vai, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thổ lộ: “Mới đầu tôi lo lắng lắm, vì nghe đến viết dự án là thấy vấn đề “to tát” lắm, chỉ có cán bộ mới làm được thôi”.
Lo lắng của chị Hồng cũng là tâm trạng của hầu hết các học viên của khoá tập huấn. Tâm trạng đó dần qua sau buổi khai giảng và càng về cuối khoá tập huấn, học viên nào cũng hào hứng, phấn chấn bởi đã nắm được kỹ năng viết dự án và kêu gọi tài trợ.
Chị Tòng Thị Chiến ở bản Đấu Mường, xã Mường Bon (Mai Sơn, Sơn La) tâm sự: “Tôi trước nay chỉ biết làm nương rẫy, chăn nuôi và tham gia công tác xã hội ở bản. Tham gia tập huấn, ban đầu tôi lo mình không tiếp thu được. Nhưng với cách giảng dạy của tập huấn viên, chúng tôi ai cũng hiểu và từng bước hoàn thiện được 1 dự án”.
Khi đã hiểu, biết kỹ năng viết dự án, nhiều học viên tỏ ra rất tự tin. Tại buổi bế giảng, chị Đinh Thị Thuỷ Nguyên (thị trấn Chi Nê, Lạc Sơn, Hoà Bình) đã trình bày Dự án “Hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật” một cách mạch lạc.
Dự án là kết quả học tập và làm việc của cả nhóm học viên đến từ tỉnh Hoà Bình. Với Anh Cù Xuân Sơn (xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An), giờ không cần nhìn vào sách vở anh có thể đọc vanh vách các thành phần, đề mục cần có trong 1 dự án.
Ứng dụng phát triển cộng đồng
Anh Trần Minh Hải - cán bộ của Trung tâm Đào tạo phát triển xã hội thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) là giảng viên chính của khoá tập huấn. Hơn 15 năm tham gia hàng trăm khoá tập huấn cộng đồng cho các đối tượng, nhưng đây là lần đầu tiên anh tiếp xúc với ND miền Bắc. “ND miền Bắc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc rất thân thiện, cởi mở, chịu khó lắng nghe, học hỏi. Có lẽ vì thế nên việc truyền tải kiến thức, kỹ năng tới học viên thuận lợi hơn tôi nghĩ ban đầu”- anh Hải tâm sự.
“Các TOT có đủ khả năng, trình độ để cùng với các tổ, nhóm ND, chi hội, cơ sở hội xây dựng các dự án kinh tế - xã hội để kêu gọi tài trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế...”.
Ông Vũ Quốc Huy
Kết quả của khoá tập huấn thể hiện qua việc các nhóm trình bày dự án của mình trong lễ bế giảng. Dự án các nhóm học viên viết đều hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng ngay tại thôn, bản, xã, phường.
“Tôi chỉ hướng dẫn kỹ năng, cách thức xây dựng, thành phần cần có của 1 dự án, còn nội dung, đề tài là do học viên tự chọn. Tôi rất ngạc nhiên khi các nhóm đều xây dựng dự án nhỏ dựa trên nhu cầu thiết thực của cộng đồng thôn, bản nơi họ sinh sống. Điều này rất cần thiết cho 1 dự án, bởi tính khả thi và dễ thuyết phục các nhà tài trợ”- anh Hải nhận xét.
40 học viên của khoá tập huấn nằm trong số hơn 100 tiểu giáo viên (TOT) cộng đồng được T.Ư Hội NDVN đào tạo tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ trong giai đoạn 2006-2009. Ông Vũ Quốc Huy- Trưởng ban Dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh (T.Ư Hội NDVN), Trưởng ban quản lý Dự án “Phát Triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam” cho biết: “Với kiến thức, kỹ năng tiếp thu trong khoá tập huấn, các TOT có thể thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nhân rộng các tổ, nhóm ND cùng sở thích.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.