Nông dân huyện biên giới của tỉnh Lai Châu được dạy cách trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả
Nông dân huyện biên giới của tỉnh Lai Châu được dạy cách trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả
Tuấn Hùng
Thứ ba, ngày 30/07/2024 09:55 AM (GMT+7)
Trong 2 ngày (29 và 30/7), Hội Nông dân tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) tổ chức chương trình dạy kỹ thuật nhân giống, thâm canh, cải tạo, thu hoạch, sơ chế và bảo quản thảo quả cho hội viên nông dân huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Dạy nông dân cách trồng, thu hoạch, sơ chế thảo quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: Mục tiêu đặt ra tại chương trình này nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, nông dân huyện Phong Thổ trong khâu chọn giống, nhân giống, trồng, chăm sóc; quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản thảo quả khô đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để canh tác thảo quả có hiệu quả về kinh tế, bền vững về môi trường, hội viên nông dân huyện Phong Thổ cần có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật canh tác bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thảo quả đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và thế giới; đồng thời giảm thiểu tác động vào môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ và phát triển rừng.
Được biết, dựa trên các kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất các loài cây lâm sản ngoài gỗ (trong đó có các loài cây dược liệu, gia vị), cùng với ý kiến đóng góp của các chuyên gia và kết quả nghiên cứu của đề tài "Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng thảo quả (Amomum aromaticum Roxb) ở Lai Châu và một số tỉnh vùng núi phía Bắc", Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tổ chức hướng dẫn kỹ thuật thuật nhân giống, thâm canh, chăm sóc, cải tạo và thu hoạch, sơ chế, bảo quản thảo quả khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm giúp người sản xuất tiếp cận được kiến thức, kỹ thuật để sản xuất được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tham gia lớp học có gần 30 học viên là chủ tịch Hội Nông dân cấp xã; cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm cấp huyện, xã; các hội viên, nông dân trồng thảo quả thuộc xã Dào San và xã Tung Qua Lìn.
Trong thời gian 2 ngày, các học viên sẽ được nghe đại diện lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) truyền đạt các thông tin về: Kỹ thuật chọn giống, nhân giống cây thảo quả có năng suất chất lượng cao; hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh thảo quả dưới tán rừng và cải tạo vườn thảo quả suy giảm năng suất; quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản thảo quả khô đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; tìm hiểu kỹ về quy trình sấy khô thảo quả bằng thiết bị sấy thảo quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các học viên sẽ được thực hành áp dụng các phương pháp chọn giống, nhân giống cây thảo quả vào thực tế.
Lớp học sẽ giúp học viên nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và giá trị sản phẩm khi cung ứng ra thị trường, hướng đến những thị trường khó tính, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con.
Tiềm năng phát triển thảo quả ở huyện biên giới Phong Thổ
Cây thảo quả được nông dân huyện Phong Thổ, Lai Châu trồng từ nhiều năm qua, hiện toàn huyện có hơn 1.000ha trồng thảo quả, năng suất ước đạt 1,77 tạ/ha, sản lượng ước 183,3 tấn; được trồng chủ yếu tại các xã: Hoang Thèn, Nậm Xe, Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ, Huổi Luông, Bản Lang, Dào San, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải và Sì Lở Lầu.
Thực tế cho thấy, thảo quả là loài cây có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển trên địa bàn huyện Phong Thổ. Huyện có khí hậu, thổ nhưỡng rất đặc hữu, thuận lợi để cây thảo quả sinh trưởng và phát triển.
Phong Thổ có diện tích rừng lớn nên thích hợp phát triển trồng thảo quả ở một số vùng trên địa bàn và mở rộng tại các xã Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ, Nậm Xe…
Bên cạnh đó, thị trường dược liệu hiện nay đang có nhu cầu lớn, huyện Phong Thổ có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc, là một trong những thị trường tiêu thụ dược liệu lớn trên thế giới. Huyện Phong Thổ cũng là địa phương có nguồn lực lao động dồi dào.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Thổ cho hay, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Phong Thổ tiếp tục phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó có cây thảo quả. Rà soát vùng trồng, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức cá nhân tham gia liên kết với người dân trên địa bàn để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm gắn với sản xuất theo chuỗi, nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.