Nông dân miền núi khấm khá khi trồng cây dược liệu, nuôi vịt đặc sản

Thu Hà Thứ sáu, ngày 13/08/2021 15:35 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ nông dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên xây dựng nhiều mô hình liên kết nuôi vịt cổ xanh (vịt đặc sản) và trồng cây dược liệu hiệu quả.
Bình luận 0

Nhiều mô hình hay từ vốn quỹ

Năm 2020, Hội Nông dân (ND) tỉnh Yên Bái đã thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Ngay sau khi thành lập, Chi hội tham gia thực hiện dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, trong đó vốn Quỹ HTND T.Ư Hội hỗ trợ trên 3,2 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 830 triệu đồng.

Anh Nguyễn Xuân Hồi - Chi hội trưởng Chi hội ND nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu xã Việt Hồng chia sẻ: "Chi hội là nơi thu hút các hội viên cùng sở thích nuôi vịt bầu và trồng cây lá khôi của xã. Được Quỹ HTND cho vay vốn, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập".

Chăn nuôi bò sinh sản là một trong các dự án phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn Quỹ HTND ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, Yên Bái. Theo đó, năm 2018, 15 hộ hội viên nông dân nơi đây đã được vay 750 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND T.Ư.

Nông dân miền núi khấm khá khi nuôi con đặc sản - Ảnh 1.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái thăm mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh của HTX Dịch vụ chăn nuôi Lâm Thượng ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Ảnh: Minh Huyền

Thời gian tới, các cấp Hội ND tỉnh Yên Bái tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền để tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND; đồng thời lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND có hiệu quả.

Cùng với nguồn vốn tự có, các hộ đã xây dựng chuồng trại và mua 30 con bò cái sinh sản về chăn nuôi. Hiện nay, các hộ đã có 165 con bò, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/ tháng.

Tương tự, dự án mở rộng quy mô sản xuất chổi chít ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ được giải ngân 300 triệu đồng Quỹ HTND với 10 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Dự án sản xuất 6.000 sản phẩm/năm, thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/hộ/năm...

Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái cho biết: Hội ND tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị Hội ND cấp huyện, thị, thành phố; 180 cơ sở hội, 1.299 chi hội, với trên 113.000 hội viên nông dân, chiếm 80,2% so với hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Hội viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sống ở khu vực miền núi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ sản xuất ở mức thấp.

Nông dân miền núi khấm khá khi nuôi con đặc sản - Ảnh 3.

Trong những năm qua, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội ND tỉnh Yên Bái vận động nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Riêng năm 2020, Hội ND tỉnh Yên Bái đã vận động, hỗ trợ thành lập được 13 HTX, và 131 tổ hợp tác; xây dựng 62 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, Hội hỗ trợ xây dựng được 13 mô hình theo hướng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, Hội đã chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu (vịt cổ xanh), trồng cây dược liệu gắn với du lịch truyền thống tại tại địa phương.

Cũng theo ông Câu, trong 10 năm qua, từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh và nguồn T.Ư ủy thác, Hội ND tỉnh Yên Bái đã triển khai 48 dự án cho hơn 680 hộ hội viên nông dân vay với tổng nguồn quỹ trên 23,5 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện đã triển khai thực hiện 135 dự án cho trên 400 hộ vay. Các mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống hội viên, nông dân.

Theo ông Câu, để có được kết quả trên, thời gian qua, Hội ND tỉnh luôn chú trọng, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Hàng năm, Hội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra Hội ND các cấp, các dự án, các hộ vay vốn. Ban quản lý dự án họp các thành viên hộ vay vốn 6 tháng/lần để giải quyết những đề xuất, kiến nghị của hội viên trong quá trình thực hiện dự án". Bên cạnh đó, Hội cũng kịp thời uốn nắn hoạt động ủy thác cho vay, khắc phục các tồn tại.

Vì vậy, sau 10 năm thực hiện đề án, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, 100% các huyện đều được ngân sách cấp bổ sung. Phương thức cho vay được đổi mới, từ cho vay theo nhóm hộ dần chuyển sang cho vay theo dự án. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem