Nông dân một xã ở Bình Định cho tôm, cua, cá "chung một nhà", con nào cũng khỏe, bán dôi tiền hơn

Thứ ba, ngày 30/01/2024 05:39 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Thanh Hổ (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cho biết: Với ao nuôi diện tích 1 ha, gia đình tôi thả 100.000 tôm sú giống, 1.000 con cá chua giống và 2.000 con cua xanh giống. Sau khoảng 5 tháng nuôi, tôm sú đạt trọng lượng 20 g/con, cua xanh 250 g/con, cá chua 400 g/con…, có thể thu hoạch.
Bình luận 0

Những năm gần đây, nhờ tận dụng tốt lợi thế của hệ sinh thái rừng ngập mặn, người dân xã Cát Minh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã phát triển mạnh mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá, vừa mang lại thu nhập ổn định vừa góp phần bảo vệ môi trường nuôi sinh thái theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro bệnh dịch, góp phần phục hồi và phát triển rừng ngập mặn.

So với việc chỉ chuyên nuôi tôm như trước đây, việc nuôi ghép tổng hợp đơn giản và ít rủi ro hơn. Hiệu quả kinh tế của mô hình xen ghép mang lại tuy không cao bằng nhưng ổn định và bền vững. 

Đồng thời, đây là hình thức nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh, tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thanh Hổ (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cho biết: Với ao nuôi diện tích 1 ha, gia đình tôi thả 100 nghìn con giống tôm sú, 1.000 con cá chua giống và 2.000 con cua xanh giống. 

Sau khoảng 5 tháng nuôi, tôm sú đạt trọng lượng 20 g/con, cua xanh 250 g/con, cá chua 400 g/con…, có thể thu hoạch. Nhờ không sử dụng kháng sinh nên sản phẩm rất được ưa chuộng, ước tính lợi nhuận có thể lên đến 200 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Nông dân một xã ở Bình Định cho tôm, cua, cá "chung một nhà", con nào cũng khỏe, bán dôi tiền hơn- Ảnh 2.

Việc nuôi ghép nhiều đối tượng thủy sản trên cùng một ao nuôi, cụ thể nuôi xen ghép tôm sú, cá chua, cua xanh ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Ảnh: THÀNH NGUYÊN.

Việc nuôi ghép nhiều đối tượng thủy sản trên cùng một diện tích sẽ hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm thiểu đáng kể lượng chất thải trong ao nuôi.

Mô hình nuôi xen ghép thủy sản hạn chế được ô nhiễm môi trường nước và giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh. 

Ngoài ra, đối với những ao nuôi có cây ngập mặn, hình thức nuôi này sẽ giúp phát huy được chức năng lọc nước, ổn định các yếu tố môi trường nước, giúp cho tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Th.S Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định), cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích ao theo hướng an toàn sinh học, Trung tâm đã triển khai và nhân rộng mô hình này tại các huyện Phù Cát và Tuy Phước.

Qua mô hình tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng vào điều kiện ao nuôi của gia đình. 

Nuôi xen ghép nhiều đối tượng thủy sản là hướng đi phù hợp cho người dân, vừa giúp có thêm thu nhập, bảo vệ môi trường ao nuôi, vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, phát triển nghề nuôi ổn định, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành Nguyễn (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem