Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Ninh (xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ) cho biết, sau bão lũ lịch sử (bão số 3), nhiều cánh đồng ở An Ninh bị ngập sâu trong lũ nhiều ngày khiến lúa bị hư hỏng. Tuy nhiên, tại cánh đồng lúa liên kết của HTX khoảng gần 60ha may mắn bị ảnh hưởng nhẹ, nhiều diện tích lúa trổ bông sau bão lụt vẫn đảm bảo năng suất khá tốt.
Từ chỗ diện tích đất hoang hóa khá nhiều, nhờ thực hiện tốt Kết luận số 675-TB/TU và Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh Thái Bình (ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028) mà hiện nay ở xã An Ninh hầu như không còn ruộng hoang, đất trống.
"Bán lúa thô cũng có nhiều rủi ro trong bảo quản, vận chuyển. Nên việc thu mua lúa và chế biến gạo sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro cho các hộ dân. Nhờ xây dựng được thương hiệu gạo, sản phẩm của chúng tôi đã được khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… tin tưởng, đặt mua nhiều hơn".
Bà Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX An Ninh
Với yêu cầu chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Ninh đã có những thay đổi phù hợp, phát huy vai trò tập hợp, định hướng cho nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng thiết lập mối liên kết sản xuất nhằm gia tăng giá trị và lợi nhuận trên cơ sở giảm giá thành đầu vào, xây dựng thương hiệu nông sản tạo đầu ra ổn định.
Theo bà Mai, HTX đã đầu tư mua sắm 3 máy cấy, 1 máy làm đất, 2 máy phun thuốc trừ sâu, 1 máy bón phân để phục vụ sản xuất của các thành viên. Dịch vụ của HTX đã có sức cạnh tranh và làm "lành mạnh hóa" các dịch vụ phục vụ cho sản xuất tại địa phương. HTX còn đứng ra quy tụ 8 máy gặt của địa phương và các máy tỉnh ngoài về phục vụ nông dân với giá hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Không những thế, trong vụ mùa năm 2024, HTX còn hình thành 2 cánh đồng liên kết với tổng diện tích 50,9ha và trở thành đơn vị dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của huyện Quỳnh Phụ. Bà con tham gia mô hình liên kết được hỗ trợ 10kg thóc giống/sào, tất cả các chi phí như phân bón, thuê máy cày, máy cấy đều rẻ hơn 10-30% so với thuê ngoài.
"Giống, phân bón ở đây là hàng công ty có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chúng tôi không cung cấp hàng trôi nổi, kém chất lượng cho bà con nông dân. Về giống, chúng tôi liên hệ trực tiếp với những đơn vị cung cấp uy tín chứ không qua trung gian. Người của các công ty trực tiếp mang giống về cung cấp, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con thực hiện. Mọi khâu đều được làm theo đúng quy trình, đúng khuyến cáo của ngành chức năng nên không có tình trạng làm tự phát" – bà Mai chia sẻ.
Chi phí đầu vào giảm, năng suất lại tăng, giá bán ổn định nhờ HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm… cứ thế nông dân rỉ tai rủ nhau vào HTX, cùng nghĩ lớn, làm lớn.
Đến vụ thu hoạch lúa, HTX lại đứng ra thu mua lúa của bà con với giá cao. Vụ lúa mùa năm nay, bà con cấy giống Hương Cốm 4 dù gặp bão nhưng cũng không bị ảnh hưởng nhiều, năng suất ước đạt mỗi sào khoảng 2 - 2,1 tạ.
"Năm nay nông dân thuê máy cắt cũng chi phí thấp, chỉ khoảng 100.000 đồng/sào, nhưng lại bán được lúa tươi tại đầu bờ với giá cao khoảng 10.000 đồng/kg. Tỉnh ra mỗi sào, bà con có thu trên dưới 2 triệu đồng, tùy ruộng" - bà Mai khẳng định. Được trang bị máy móc, HTX đứng ra vệ sinh đồng ruộng, khôi phục lại những mảnh ruộng hoang hóa, sau đó bàn giao lại cho các cá nhân tích cực sản xuất, động viên, khuyến khích họ bằng cách miễn phí dịch vụ trong 2 năm.
Nông dân phấn khởi, yên tâm trồng lúa liên kết
Cũng theo bà Mai, sau khi thu mua lúa cho bà con, HTX An Ninh sẽ chế biến, đóng gói và tiêu thụ gạo Làng Giành tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Tại tỉnh, HTX cũng đã mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên để bán gạo. Trung bình mỗi năm đơn vị tiêu thụ khoảng 50 - 70 tấn gạo.
"Cách làm này của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đánh giá rất cao. HTX cũng xây dựng thương hiệu gạo Làng Giành theo tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, đồng thời đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Đây cũng là HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tiên trên toàn tỉnh có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP" - bà Mai cho hay.
Ông Vũ Bá Hiểu (ở thôn Vạn Phúc, xã An Ninh), cho biết, năm nay, gia đình ông cấy 1ha lúa đặc sản và vừa thu hoạch với năng suất 2,1 tạ/sào. "Năm nay nhiều nơi thiệt hại về lúa do mưa lũ, chúng tôi vẫn có thu hoạch và bán được giá cao hơn nhiều so với vụ trước. Lúa cân tại bờ ruộng khoảng 10.000 đồng/kg" - ông Hiểu tiết lộ.
Ông Hiểu cho hay: Nhờ trồng lúa liên kết nên chúng tôi giảm được nhiều chi phí. Điều đáng nói hơn là bà con không lo đầu ra cho sản phẩm, đến vụ thu hoạch có máy cắt về thu lúa tại ruộng, người dân chỉ cần đứng trên bờ cân lúa bán cho HTX lấy tiền "1 cục" nên mọi người rất phấn khởi và yên tâm tiếp tục liên kết làm ăn lớn hơn trong các vụ tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.