Từ trận rét tàn khốc năm 2008, rồi liên tiếp các năm sau đều có những đợt “rét lạ” sớm và muộn, nông dân các xã vùng cao Sa Pa (Lào Cai) điêu đứng. Không phải chỉ khổ vì trâu chết rét, còn khổ vì cây trồng “biết làm đấy mà không có ăn”. Sắn, trồng mãi không chịu mọc, cuối năm rét quá không có củ. Ngô gieo đi gieo lại mấy lần mà “quả có mà hạt thì không”. Từ những chuyến đi kiếm cỏ cứu trâu, bà con “sáng kiến” xuống vùng thấp thuê nương trồng ngô, sắn. Chỉ mỗi điều xa quá, có xe máy đi mất hơn lít xăng mỗi ngày, không có xe máy, “được” đi ô tô khách đến nương. Đến vụ chia lại sản phẩm cho chủ nương, còn mang về … ít lắm. Khổ thêm, ăn ít đi, người dân mong nhà nước tìm giúp loại cây gì biết chống rét để đỡ phải du canh trốn rét.
Xã Suối Hồ lạnh quá, 4 năm nay, gia đình Hạng A Pho thuê được vạt nương ở xã Cốc San, huyện Bát Xát để trồng ngô, sắn. Gia đình Chảo Tở Vẩy thật mừng vì mượn được – không phải thuê - người thân mảnh nương dù dốc đứng. Tập cày bằng máy trên nương mới, thay trâu đã chết rét, Lò Láo Tả bản Mống Sến, xã Chung Chải than: “Máy cày đất dốc không sâu bằng trâu, hay vấp đá, gãy cả lưỡi”. Bữa cơm trưa trên đường của gia đình chị Lý Phù Xiệu, xã Tả Phìn. Mã Thị Vang ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa, mang theo đứa con chưa tròn 1 tuổi đi “năm mươi nghìn tiền ô tô” đến xã Cốc San huyện Bát Xát thuê đất làm nương. Chị tuổi mẫu giáo trông em. Bé Chảo Giao Mẩy đến tháng chín năm nay mới đủ tuổi đến trường, nhưng đã biết đi nương giúp bố mẹ. Ngày chủ nhật, cậu học sinh lớp 3 này cùng bố mẹ vượt hơn 30 cây số đi nương. Bà và cháu cùng về xuôi đi nương. Củ sắn nhặt lại từ nương cũ, thêm vào bữa ăn. Những người già ở lại bản cũ đưa trâu đi bòn cỏ. Về lại Sa Pa “rực rỡ” sau một ngày ở nương mới, bao giờ cũng thêm bó cỏ cho trâu đang chống rét.
Thanh Tú (Thanh Tú)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.