Nông dân Sài Gòn có "chiêu" trị mùi phân bò, vừa có thêm tiền vừa giúp nông thôn mới xanh, sạch, văn minh

An Vĩnh Thứ năm, ngày 10/08/2023 09:15 AM (GMT+7)
Phân bò từ chất thải gây ô nhiễm môi trường, giờ đây đang giúp nhiều nông dân Củ Chi, Hóc Môn vừa có thêm tiền, vừa chăn nuôi hiệu quả lại còn xây dựng nông thôn mới ngày càng xanh, sạch, văn minh.
Bình luận 0

Các hộ chăn nuôi bò tại Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) đang tích cực đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi như xử lý chất thải, không vi phạm tiêu chuẩn về xả thải, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn mới.

Phân bò giúp nông dân có thêm tiền

Đàn bò sữa của ông Phạm Văn Vũ, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi có khoảng 40 con lớn nhỏ. Phân bò thải ra mỗi ngày tương đối lớn, nếu không xử lý được sẽ gây mùi hôi cho khu dân cư. Ông Vũ có cách riêng "trị" được mùi hôi và cách làm này càng ngày càng cho thấy, ông được lợi nhiều hơn.

Nông dân Sài Gòn có "chiêu" trị mùi phân bò, vừa có thêm tiền vừa giúp nông thôn mới xanh, sạch, văn minh - Ảnh 1.

Chăn nuôi bò sữa đang dần thay đổi để thích nghi với quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trị mùi phân bò, tránh gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Ảnh: Đ.T

"Chất thải của bò được tôi thu dọn hàng ngày, gom lại nhà kho để chờ người đến thu mua. Đối với nước rửa chuồng, nước tắm bò tôi cho xuống hầm chứa. Hầm này hóa lỏng chất thải, được xử lý mùi, sau đó bơm lên để tưới cho đồng cỏ. Như vậy vừa tiết kiệm tiền mua phân bón, vừa xử lý được nguồn thải", ông Vũ nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhớ, huyện Hóc Môn cũng có khoảng 20 con bò sữa. Ông Nhớ chăn nuôi trong khu dân cư, không gian tương đối kín. Vì vậy, nếu không "trị" được mùi hôi thì rất ô nhiễm và phiền hàng xóm.

Chất thải của trại bò ông Nhớ cũng được thu gom mỗi ngày và bán cho thương lái. Đồng thời, trong khẩu phần ăn của bò được bổ sung vi sinh để đảm bảo bò tiêu hóa tốt, chất thải không gây mùi khó chịu.

Nông dân Sài Gòn có "chiêu" trị mùi phân bò, vừa có thêm tiền vừa giúp nông thôn mới xanh, sạch, văn minh - Ảnh 3.

Phân bò được thu gom, phơi khô và bán cho thương lái. Ảnh: M.H

Hiện nay, phân bò của các hộ chăn nuôi ở hai huyện Củ Chi, Hóc Môn được nhiều thương lái thu mua. Sau khi mua về, phân bò được phơi khô, cung cấp cho các cửa hàng bán cây cảnh để làm phân bón hoặc cung cấp cho các trang trại nuôi trùn quế.

Môi trường là ưu tiên hàng đầu trong nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, yếu tố môi trường nông thôn được đặc biệt quan tâm. Các huyện ngoại thành TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng chất môi trường nông thôn.

Nông dân Sài Gòn có "chiêu" trị mùi phân bò, vừa có thêm tiền vừa giúp nông thôn mới xanh, sạch, văn minh - Ảnh 4.

Huyện Củ Chi thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp đường nông thôn. Ảnh: Đ.T

Nửa đầu năm 2023, huyện Củ Chi đã tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường gắn với duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn. Huyện Củ Chi đã kiểm tra các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 36 đơn vị, đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

"Hiện nay ngành nông nghiệp huyện Củ Chi đang thực hiện giảm đàn heo, đàn bò nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Chăn nuôi tập trung, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong nông nghiệp chúng tôi định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững", Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết.

Nông dân Sài Gòn có "chiêu" trị mùi phân bò, vừa có thêm tiền vừa giúp nông thôn mới xanh, sạch, văn minh - Ảnh 5.

Xu hướng của TP.HCM là giảm đàn bò, đàn heo. Ảnh: Q.Q

Tương tự, tại huyện Hóc Môn công tác xử lý chất thải trong sản xuất và sinh hoạt cũng được giám sát chặt chẽ. UBND huyện Hóc Môn đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra và yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải công nghiệp ra ngoài môi trường phải có hệ thống xử lý đảm bảo theo quy định.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 xác định tập trung triển khai hiệu quả 6 chuyên đề trọng tâm, 1 trong số đó là phải tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Trong xây dựng nông thôn mới, TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem