Nông dân sập bẫy lái lúa rởm

Thành Nhân Thứ ba, ngày 14/07/2015 06:53 AM (GMT+7)
Bằng thủ đoạn tinh vi, nhóm thương lái rởm đã lừa đảo, tráo tiền mua lúa khiến nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười mất hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Vài phút, mất hàng chục triệu đồng

Mấy tuần qua, thương lái đến tận ruộng của nông dân huyện Tân Hưng, Long An để thu mua lúa. Tuy nhiên, khi giao dịch hoàn thành, thương lái ra về thì nông dân phát hiện mình mất một khoản tiền lớn.

img
Anh Uống kể lại sự việc với phóng viên. Ảnh: T.N
Anh Nguyễn Văn Uống (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) kể, một người đàn ông giới thiệu là tên Đức, lái lúa ở tỉnh Trà Vinh, đến xem và hỏi mua lúa của gia đình anh với giá 4.220 đồng/kg (cao hơn thị trường 70 đồng/kg) nên anh đồng ý bán.

Chiều 8.7, ông Đức tới, cân xong hơn 40 tấn lúa thì trời đã tối, lái lúa thanh toán hơn 174 triệu đồng. Kỹ tính nên ông Đức vừa đi khỏi thì vợ anh Uống đếm lại mới phát hiện hơn trăm tờ giấy bạc mệnh giá 20.000 đồng nằm lẫn lộn trong xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng. Tổng cộng, anh Uống mất 54 triệu đồng.

Một trường hợp khác cũng sập bẫy lái lúa rởm là anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng.

Anh Hùng cho biết, trong những người tự xưng là lái lúa có một người nói mình tên Phượng, ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Anh Hùng bán lúa vào trưa ngày 1.7, đến hơn 16 giờ chiều gần 29 tấn lúa của anh Hùng và một vài tấn lúa của hàng xóm đã cân bán xong, tổng số tiền 112 triệu đồng. Đến tối, vợ chồng anh Hùng lấy tiền trả nợ, đếm lại chỉ có 67 triệu đồng.

Cố tình giao dịch tiền lúc trời tối

Nhiều nạn nhân của nhóm lái lúa rởm cho biết, nhóm này gồm 4 người, 2 nam và 2 nữ, độ tuổi 35 - 40. Khi đi mua lúa, 2 người đàn ông luôn luôn dùng khẩu trang che mặt; họ đi 2 xe máy Exciter 135 và 150 phân khối, luôn cố tình sắp xếp để 2 xe sao cho những người dân bán lúa không chú ý đến và không thấy được biển số.

Đối tượng chỉ thực hiện giao dịch tiền với nông dân vào lúc chạng vạng tối đến tối. Sau khi cân lúa xong đối tượng cố ý kéo dài thời gian cộng sổ hoặc khi đã cộng sổ xong thì không trả tiền ngay cho nông dân mà còn chờ gì đó... Từ khi đặt cọc đến lúc chính thức cân lúa, nông dân rất khó liên lạc bằng điện thoại với lái lúa và sau khi thanh toán tiền xong, ra về là thương lái tắt ngay số điện thoại đã cung cấp cho nông dân để liên lạc trước đó.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, thượng tá Võ Văn Dình - Phó trưởng Công an huyện Tân Hưng cho biết: “Mặc dù nông dân không trình báo cho Công an xã hay Công an huyện biết việc bị lái lúa rởm lừa đảo chiếm đoạt tiền, nhưng Công an huyện cũng đã biết được sự việc. Hiện Công an huyện Tân Hưng đã triển khai cho bộ phận chuyên môn xuống cơ sở nắm chắc tình hình, để có sự hỗ trợ cho nông dân khi cần thiết”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem