Nông dân thiếu vốn tái sản xuất, nguy cơ thiếu hụt lương thực thực phẩm cuối năm

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 16/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trước những khó khăn của nông dân trong việc duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét gói hỗ trợ đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo không bị thiếu hụt lương thực thực phẩm.
Bình luận 0

Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến

Báo cáo tại hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết việc tái sản xuất của một số ngành hàng nông nghiệp trọng điểm đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho biến là rất lớn.

Đơn cử như ngành trồng trọt, một sản lượng lớn lúa gạo vẫn còn tồn đọng do các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ, dẫn đến tiêu thụ chậm, giá lúa giảm. 

Giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới ngành hàng cây ăn quả như giảm sức mua, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu khó khăn, một số vùng thương lái ngừng thu mua do không tiếp cận được vùng sản xuất, phương tiện vận chuyển thiếu, chi phí cao, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, các thị trường khác thiếu tàu vận chuyển, container...

Tạo động lực cho nông dân tái sản xuất - Ảnh 1.

Nông dân Long An thu hoạch lúa thu đông. Ảnh: TL

"Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống; thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

"Điều đáng lo ngại là, nhiều hộ nông dân khu vực phía Nam, vùng thực hiện giãn cách xã hội thiếu tiền vốn để mua giống, vật tư, thuê nhân công, máy móc phục vụ sản xuất, người dân không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo hoặc không đủ tiền đầu tư cho tái sản xuất dẫn đến kế hoạch sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không đảm bảo, rất có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm nếu không có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu một thực tế.

Đối với ngành chăn nuôi, mức độ tiêu thụ thực phẩm giảm 30 - 40%, có loại giảm tới 70% như gà công nghiệp; trang trại và hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn vì giá tiêu thụ sản phấp thấp, giá đầu vào tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thực phẩm vào các tháng cuối năm.

Trong khi đó, hiện chỉ có 30% DN chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. 

Hiện tại, có 15 nhà máy thức ăn cho thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Tạo động lực cho nông dân tái sản xuất - Ảnh 3.

Tương tự, ngành chế biến gỗ có trên 5.700 DN chế biến, trong đó có khoảng 2.100 DN trực tiếp xuất khẩu. 

Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này đã có hơn 50% DN chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) phải ngừng và giảm sản xuất do phải giãn cách, thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng.

Xem xét gói hỗ trợ trực tiếp cho nông dân sản xuất

Từ thực tế đó, để có thể giúp nông dân tái sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nông dân thiếu vốn tái sản xuất, nguy cơ thiếu hụt  lương thực thực phẩm cuối năm  - Ảnh 4.

Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân khôi phục sản xuất. Ảnh: Cao Cẩm.

"Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản; DN liên kết với các hợp tác xã tập trung, các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu. Xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.

Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.

Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo hệ thống giao thông vận tải xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng và ứ đọng nông sản; thiết lập mở luồng xanh cho vận tải đường thủy, nhất là tại khu vực các cảng.

Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể khi người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. 

Có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem