Nông dân của tỉnh Long An cứ dần "xóa sổ" cây "ngọt lịm" để trồng cây ra trái chua "kên răng", vì sao vậy?

Thứ năm, ngày 25/11/2021 06:21 AM (GMT+7)
Khoảng 7 - 8 năm trước, một số xã ở huyện Bến Lức và Thủ Thừa, tỉnh Long An có vùng trồng mía hàng ngàn hécta. Thế nhưng, chỉ trong vòng ít năm, vùng nguyên liệu mía đã bị “xóa sổ” và chuyển đổi sang trồng chanh.
Bình luận 0

Nhà máy đường đóng cửa, vùng mía cũng “lụi tàn”

Các xã Lương Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, huyện Bến Lức và một số xã ở huyện Thủ Thừa, khoảng 7 - 8 năm trước vốn bạt ngàn những cánh đồng mía. 

Có thời gian, diện tích trồng mía lên tới 11.000ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tỉnh Long An cũng từng kỳ vọng rất lớn vào giá trị từ cây mía mang lại và thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu trồng mía để có những chính sách, giải pháp phát triển cây trồng này.

Vì sao nông dân các vùng này của tỉnh Long An dần "xóa sổ" cây "ngọt lịm" để trồng cây ra trái chua "kên răng"? - Ảnh 1.

Khoảng 7 - 8 năm trước, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có khoảng 8.000ha trồng mía nhưng hiện nay đã chuyển sang các cây trồng khác...


Tưởng rằng cây mía sẽ bám rễ, phát triển lâu dài khi tại xã Lương Hòa có Nhà máy Đường Nivl với quy mô hoạt động khá lớn. Lúc đó, đa số sản lượng mía mà nông dân thu hoạch đều bán cho Nhà máy Đường Nivl; một số bán tại Nhà máy Đường Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa).

Thế nhưng, từ năm 2013, cây mía ở địa phương bắt đầu giảm giá trị kinh tế bởi nhà máy thu mua với giá thấp, sản lượng mua giảm dần. Không chỉ thế, sau một thời gian đầu tư thua lỗ, Nhà máy Đường Nivl chỉ hoạt động cầm chừng và nợ tiền thu mua mía của nông dân.

Chủ Nhà máy Đường Nivl nợ tiền nông dân kéo dài năm này qua năm khác, có lúc lên tới gần 100 tỉ đồng. Vì thế, nhiều lần người dân kéo vào nhà máy, giăng băng rôn đòi nợ, thậm chí khởi kiện ra tòa án. Ngoài nợ tiền thu mua mía, chủ nhà máy này còn nợ thuế, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, lao động. Do không còn kinh phí, năm 2017, nhà máy dừng hoạt động cho đến nay.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, đến nay, khoản nợ thu mua mía của nông dân được chủ nhà máy giải quyết ổn. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết xong tiền nợ đối với các thương lái và tiền lương đối với công nhân.

Tương tự, Nhà máy Đường Hiệp Hòa cũng gặp khó khăn, nợ tiền thuế, nợ tiền lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân và phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Mấy năm trước, nhà máy này cũng đóng cửa, dừng hoạt động.

Khi 2 nhà máy đường rơi vào bế tắc thì diện tích trồng mía của tỉnh Long An sụt giảm qua từng năm. Vào những năm 2015, 2016, có những lúc, mía đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân bỏ hẳn ngoài ruộng hoặc đốt bỏ bởi bán không có lời, thậm chí thua lỗ nặng.

Tình cảnh này làm cho nông dân ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa còn “bám” cây mía gặp khó khăn gấp bội. Nhà máy đường ở địa phương đóng cửa nên có những thời điểm, nông dân phải vận chuyển mía đến bán cho các nhà máy ở các tỉnh miền Tây, Tây Ninh, Đồng Nai, nhưng vì giá vận chuyển, thuê nhân công cao nên cũng bị thua lỗ.

Vùng mía lúc trước giờ là vùng trồng chanh

Các ngành chức năng đã nhiều lần làm việc với một nhà máy đường ở tỉnh khác để kêu gọi thu mua mía cho nông dân tại Long An; đồng thời, làm việc với doanh nghiệp để tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất của Nhà máy Đường Nivl. Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì thay đổi, theo đó vùng sản xuất mía cứ dần thu hẹp.

Từng trồng 36ha mía nhưng trước tình cảnh này, gia đình ông Nguyễn Huệ (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) phải đành giã từ. Năm 2016, ông trả lại toàn bộ 30ha đất thuê để trồng mía, 6ha đất còn lại của gia đình được ông chuyển sang trồng dừa, ổi và chanh.

Vì sao nông dân các vùng này của tỉnh Long An dần "xóa sổ" cây "ngọt lịm" để trồng cây ra trái chua "kên răng"? - Ảnh 3.

Cây chanh đã thay thế cây mía tại nhiều huyện ở tỉnh Long An.

Còn gia đình ông Huỳnh Văn Út (xã Lương Hòa) có gần 1ha đất trồng mía, nhưng mấy năm liền không mang lại giá trị kinh tế nên từ năm 2017, ông chuyển sang trồng chanh. “Trồng mía quen rồi, bỏ cũng tiếc, nhưng vì không có đầu ra, giá cả thấp, thậm chí thua lỗ nên không còn cách nào khác, phải tìm cây trồng khác thay thế. Còn cứ “bám” cây mía thì chắc sẽ nghèo” - ông Út bộc bạch.

Khoảng năm 2014 - 2015, huyện Bến Lức vẫn được xem là “thủ phủ” của cây mía với gần 8.000ha nhưng do giá thấp, khó khăn về đầu ra nên diện tích liên tục giảm qua từng năm, đến năm 2019 chỉ còn khoảng 3.000ha. Niên vụ 2020 - 2021 này, toàn tỉnh chỉ còn lại hơn 60ha mía, bằng 12% so cùng kỳ năm trước.

“Vùng trồng mía ở Bến Lức, Thủ Thừa dần bị “xóa sổ”. Theo đó, đa số diện tích trồng mía trước đây được chuyển sang trồng chanh” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, chỉ trong một thời gian chưa lâu sau khi bỏ mía thì hiện toàn huyện có hơn 7.100ha trồng chanh, chủ yếu là chanh không hạt.

Thời gian qua, cây chanh mang lại giá trị kinh tế khá cao. Huyện, tỉnh có những chính sách để phát triển vùng trồng chanh ở huyện, đó là đầu tư hệ thống tưới tiêu để hạn chế tác động của xâm nhập mặn, hỗ trợ áp dụng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, sản phẩm chanh ở huyện đã được đưa đi tiêu thụ ở thị trường các nước châu Âu.

Hiện huyện Bến Lức có khoảng 1.200ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 1.500ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao.


Vũ Quang (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem