Nông dân trổ tài thi tay nghề

Thứ năm, ngày 13/10/2011 19:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ đôi tay khéo léo, 77 thí sinh tham gia Hội thi mây tre đan Hà Tĩnh lần thứ nhất (do Hội ND Hà Tĩnh tổ chức) đã làm ra những sản phẩm mây tre đan tinh xảo, báo hiệu sự hồi sinh của nghề mây tre đan truyền thống ở Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Từ mờ sáng 9.10, tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh đã chật cứng người, xe cộ của thí sinh và cổ động viên đến từ 12 huyện, thị, thành phố.

img
Các thí sinh đội Hương Khê trổ tài.

Mang mây tre lên... sân khấu

Không giống như các hội thi trước do Hội ND tổ chức, lần này, các thí sinh lên sân khấu không phải "áo hoa, da phấn" mà mang theo những nguyên vật liệu và dụng cụ ứng tre, mây, giang nứa và cưa, đục…

Thí sinh Trần Đình Huệ (72 tuổi) đến từ xã Kỳ Long, thành viên trong đoàn huyện Kỳ Anh tâm sự: "Hơn một tuần nay, để chuẩn bị nguyên liệu cho hội thi, tôi cùng với các thành viên trong đội phải đi lùng trong xã chọn, lựa kỹ tre, giang nứa... Dù nghề đan lát đối với tôi rất thành thạo nhưng hôm nay về tỉnh để so tài tôi cũng hơi run và hồi hộp. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được may mắn tham gia vào hội thi tay nghề dành cho ND, qua đây tôi học hỏi được nhiều điều lắm".

Thí sinh Nguyễn Văn Trung thuộc đoàn thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, ở thành phố nghề mây tre đan cũng đã mai một dần, vì vậy đến với hội thi lần này đội chúng tôi ngoài phần thi bắt buộc đan khay đựng thủy sản xuất khẩu sang Nhật còn chọn phần thi đan chõng tre, sản phẩm này được người dân ở các phường Thạch Linh, Thạch Trung làm ra rất đẹp và nổi tiếng một thời”.

Ông Nguyễn Thanh Am (53 tuổi) - thành viên đội tuyển huyện Can Lộc tâm sự: "Tôi biết nghề đan khi còn nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự một cuộc thi ở tỉnh như thế này. Mừng và cũng hồi hộp lắm. Trước khi đi thi, cả nhà xúm vào lo chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ đầy đủ và mong cho tôi đoạt giải của cuộc thi".

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết: "Sau nửa năm phát động, tất cả 12 huyện thị ở Hà Tĩnh đã có các đội, tổ nhóm và HTX mây tre đan ra đời. Vì vậy, khi Hội ND phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội thi này, đã có 77 thí sinh của 20 đoàn mang theo mây, tre, nứa về thành phố để trổ tài. Mấy năm gần đây, sản phẩm mây tre đan của ND Hà Tĩnh đã kết nối được với thị trường nước ngoài".

Sinh viên cũng dự thi

Mặc dù đây là cuộc thi mây tre đan của Hội ND nhưng các thành phần, độ tuổi không bị bó hẹp. Không chỉ thu hút nhiều thí sinh lớn tuổi như ông Trần Đình Huệ (72 tuổi) ở xã Kỳ Long (Kỳ Anh) và bà Nguyễn Thị Chương (72 tuổi) huyện Hương Khê, hội thi còn thu hút sự tham gia của rất nhiều thí sinh trẻ tuổi.

Ông Nguyễn Hồng Khoan - Ủy viên Ban thường vụ Hội ND huyện Nghi Xuân cho biết: “Qua khảo sát, 20% các bạn trẻ ở địa phương chúng tôi tham gia nghề mây, tre đan. Trong hội thi lần này, đội Nghi Xuân có em Nguyễn Lê Long ở xã Xuân Viên, hiện là sinh viên khoa Luật, Đại học Vinh. Từ những năm học THPT, Long đã rất yêu thích và rất đam mê nghề này, khi biết Hội ND tổ chức hội thi đan mây tre, em đã đăng ký tham gia”.

img Tôi biết nghề đan từ khi còn nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự một cuộc thi ở tỉnh. img

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cần - thành viên ban giám khảo (đến từ làng nghề mây tre đan huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhận xét: "Tôi quá bất ngờ, các thí sinh đã làm ra những sản phẩm rất nhanh và đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Thiện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận: "Hội thi lần này là dịp để bà con ND hình thành được ý thức tổ chức sản xuất hàng hóa, có cơ hội giao lưu học hỏi nâng cao tay nghề và quan trọng nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua hội thi, khẳng định nghề mây tre đan đang dần dần hồi phục, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho bà con ND".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem