Nông dân ven biển Quảng Ngãi làm giàu với mô hình nuôi 3 con đặc sản chung một ao

P.V (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi) Thứ hai, ngày 07/02/2022 07:09 AM (GMT+7)
năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đặt hàng cho Trung tâm Giống tỉnh chủ trì thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao. Mô hình được triển khai tại các xã Đức Phong, Đức Minh, huyện Mộ Đức (4 hồ); phường Phổ Quang, xã Phổ An, thị xã Đức Phổ (3 hồ).
Bình luận 0

Xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là tại các vùng nuôi đất cát ven biển. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng với chi phí khá cao nhưng không thật sự bền vững.

Đối với các hộ nuôi thì cần những giải pháp ít tốn kém nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi kết hợp ốc hương ghép với một số loài thủy sản khác đang là giải pháp được áp dụng tại huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), bước đầu đạt hiệu quả khả quan, mở ra triển vọng đối với vùng nuôi thủy sản trên cát tại các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi.

Nông dân ven biển Quảng Ngãi làm giàu với mô hình nuôi 3 con đặc sản chung một ao - Ảnh 1.

Mô hình nuôi xen canh 3 loại thủy sản gồm ốc hương, cá dìa, cá măng thí điểm ở Quảng Ngãi mở ra cho nông dân cơ hội tăng thu nhập.

Nhiều năm trước, tình hình nuôi tôm trên cát tại các xã ven biển của huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh vì môi trường nuôi ô nhiễm. 

Nhiều áo nuôi bị bỏ hoang, vì dịch bệnh triền miên, người nuôi liên tục thua lỗ. Nhưng những năm gần đây, các khu vực này trở nên sôi động lại, một số hộ chuyển sang nuôi ốc hương, bước đầu có hiệu quả, do thị trường tiêu thụ mạnh loại sản phẩm này.

Tuy nhiên, việc nuôi ốc hương đơn lẻ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh. Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng tại các vùng nuôi ốc hương ở các địa phương trên. 

Nguyên nhân chính là do ốc hương ăn thức ăn tươi sống hàng ngày như cá, tôm,... phần thức ăn thừa và chất thải của ốc hương làm cho nguồn nước trong ao nuôi phì dưỡng, tích tụ hữu cơ, phát sinh rong, tảo và vi khuẩn có hại làm môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, gây dịch bệnh cho ốc hương.

Để có giải pháp hữu hiệu hơn, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng cho Trung tâm Giống tỉnh chủ trì thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao. 

Mô hình được triển khai tại các xã Đức Phong, Đức Minh, huyện Mộ Đức (4 hồ); phường Phổ Quang, xã Phổ An, thị xã Đức Phổ (3 hồ). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% chi phí con giống, 60% chi phí thức ăn, 50% chi phí thuốc phòng trị bệnh.

Anh Ngô Tiến Dũng, ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, hộ nuôi thử nghiệm mô hình trên phấn khởi cho biết, sau 7 tháng nuôi trên diện tích ao 2.000m2, ốc hương, cá măng và cá dìa sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh. 

Trọng lượng ốc hương đạt bình quân 140 con/kg; cá dìa 200g/con, cá măng 450g/con. Sau khi trừ chi phí gia đình lãi trên 350 triệu đồng. 

“Mô hình nuôi ghép các đối tượng thủy sản trên cùng diện tích đang giúp hồi sinh nghề nuôi trồng thủy sản trên cát. Tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình trong vụ tới,”, anh Dũng cho hay.

Theo phân tích của Trung tâm Giống tỉnh, qua tìm hiểu đặc điểm sinh học của một số đối tượng thủy sản thì cá măng, cá dìa là hai loài có thời gian sinh trưởng phù hợp với ốc hương và sử dụng thức ăn chính là rong, tảo, mùn bã hữu cơ. 

Do vậy, việc nuôi kết hợp giữa 3 loài này sẽ giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, giảm độ phì dưỡng, tạo cân bằng sinh học trong môi trường ao nuôi. 

Ngoài ra, ốc hương là loài sống vùi trong cát ở tầng đáy của ao nuôi nên việc nuôi ghép cá măng, cá dìa ngoài yếu tố cải thiện môi trường ao nuôi còn khai thác hiệu quả phần thể tích nước trong ao, tăng thu nhập cho hộ nuôi trên cùng một diện tích.

Mới đây, qua kiểm tra thực tế kết quả triển khai mô hình nuôi kết hợp ốc hương với cá măng, cá dìa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế, là giải pháp để phát triển nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng nuôi thủy sản trên cát của các địa phương ven biển.

Trên cơ sở thành công của mô hình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng sổ tay hướng dẫn về lịch thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, mật độ nuôi,…cho người dân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng mô hình, phát huy những ao nuôi tôm bỏ hoang, kém hiệu quả hiện nay để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân vùng ven biển trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem