Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Hải Dương là người trồng nấm đông trùng hạ thảo, thu mua nông sản

Nguyễn Chương - Ngọc Hải Thứ tư, ngày 31/08/2022 12:53 PM (GMT+7)
Anh Trần Đình Khiêm (1972, ở khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn, TX Kinh Môn tỉnh Hải Dương) trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo, thu mua số lượng lớn nông sản của nông dân. Anh Khiêm là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Bình luận 0

Anh Trần Đình Khiêm (1972, ở khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn, TX Kinh Môn tỉnh Hải Dương) là một trong những Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.

Trong một ngày nắng thu tháng 8, chúng tôi đến tham quan nhà xưởng chế biến rượu đạt chuẩn OCOP 4 sao và hơn 800m2 khu nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Khiêm tại ở khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đập vào mắt chúng tôi là một khu chế biến nông sản hiện đại với nhiều loại máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài.

Tiếp chúng tôi trên khu vườn đầy cây xanh, anh Khiêm kể lại câu chuyện của đời mình. Trước đây anh là một người kinh doanh về thương mại, vận tải. Cơ ngơi này có được là nhờ kinh doanh thương mại, vận tải bao nhiêu năm tích góp lại.

Những tưởng anh đã hài lòng với thành quả cố gắng bao lâu thì năm 2018 anh đột ngột thay đổi, dồn hết tâm trí, tiền bạc vào thu mua và sản xuất nông sản của quê hương.

Chuyện ông nông dân với "khát vọng" chế biến sâu nông sản của quê hương - Ảnh 1.

Ông Đào Xuân Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đến thăm và làm việc tại mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Đình Khiêm.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, hơn ai hết anh Khiêm hiểu được những vất vả, nhọc nhằn của người nông dân khi chính sản phẩm của mình mất nhiều công sức làm ra nhưng lại có giá trị rẻ mạt. Chính thì thế, người nông dân cứ mãi luẩn quẩn với tư tưởng lấy công làm lãi, được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa. 

Dù đã thoát ly khỏi nghề nông từ trẻ nhưng hình ảnh những người than của mình vẫn luôn vật lộn với những sản phẩm do chính tay làm ra đã thôi thúc anh Khiêm phải làm gì đó để thay đổi. Là dân kinh doanh, đi nhiều, biết rộng và cũng nhờ bạn bè chỉ bảo nên anh quyết định đầu tư vào cây sắn dây, cây tỏi của địa phương. 

Nói về ý tưởng đầu tiên trong kế hoạch phát triển nông sản địa phương, anh Khiêm cho biết: "Đầu tiên tôi cũng không nghĩ tôi sẽ làm nông nghiệp nhưng qua quá trình nhận thấy Kinh Môn có hành, tỏi, sắn dây là những đặc sản của Kinh Môn , ban đầu khi khởi nghiệp về làm chế biến sâu về nông nghiệp thì tôi bắt tay vào làm sắn dây. Nhưng có cơ duyên khi biết một số người làm chuyên mảng thực phẩm chức năng về tỏi nên tôi đã bén duyên với làm viên tỏi".

 "Ai cũng biết củ tỏi có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng có thể dùng được tỏi tươi. Vì vậy tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như liên kết sản xuất viên cao tỏi để giúp mọi người từ già đến trẻ đều dễ dàng sử dụng". 

 Nói là làm, thông qua các mối quan hệ anh Khiêm chủ động tìm tới những người có chuyên môn về dược phẩm để hợp tác sản xuất. Nhờ trước đây là người kinh doanh nên anh thành công ngay từ mẻ sản xuất thử đầu tiên. Sản phẩm viên cao tỏi khi ra thị trường được đông đảo bạn bè, người thân cũng như khách hàng trong địa phương đón nhận và phản hồi tích cực. Mặc dù vậy, duyên nợ với nông sản quê hương của anh vẫn chưa dừng lại ở đây.

Chuyện ông nông dân với "khát vọng" chế biến sâu nông sản của quê hương - Ảnh 2.

Quy mô nhà xưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo và chế biến rượu đông trùng của anh Trần Đình Khiêm rộng khoảng 800m2.

Anh kể, làm kinh doanh nên tôi thường xuyên phải tiếp khách hàng trên bàn tiệc, có những ngày tôi phải đi 2,3 lần. Việc uống rượu thường xuyên đã làm sức khỏe bản thân đi xuống. 

Sau mỗi cuộc rượu, tôi thường bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí nhiều lúc mất kiểm soát làm cho người thân lo lắng. Đến khi tỉnh táo, tôi lại thấy có lỗi với chính bản thân và gia đình. Đỉnh điểm là khi tôi tuyên bố bỏ rượu và đập vỡ toàn bộ số chum đựng hàng trăm lít rượu mà anh cất công ngâm trong nhiều năm.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng do tính chất công việc luôn phải giao lưu nên anh đã quay lại uống rượu. Lúc đó, anh trăn trở làm sao sản xuất ra được loại rượu an toàn chứ không nên dung những loại rượu trôi nổi không biết rõ nguồn trên thị trường. Hơn nữa, Kinh Môn lại có loại gạo nếp cái hoa vàng là đặc sản nức tiếng, nếu dùng để nấu rượu thì chất lượng sẽ tốt hơn.

Lúc này ngoài việc sản xuất cao tỏi thì anh chuyên tâm nghiên cứu sản xuất rượu nết cái hoa vàng. Là người mới bắt đầu tìm hiểu về rượu nên ngay những ngày đầu anh đã gặp khó khăn. Để đạt mục tiêu nấu ra loại rượu mà trong đó loại bỏ tối đa độc tố, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. 

Qua tìm hiểu từ mạng internet, những người bạn am hiểu về công nghệ thực phẩm, sinh hóa tư vấn anh đã cho ra đời những mẻ rượu đầu tiên nhưng mọi người đánh giá rượu có vị nhưng không có hương thơm.

Sau khi tìm hiểu, cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng về quy trình chưng cất rượu, anh nhận ra vì quá theo đuổi cái mới, hiện đại mà đánh mất ưu thế của cách nấu rượu truyền thống. Và rồi anh lặn lội bỏ hết mọi việc để tìm tới các cơ sở nấu rượu gia truyền ở địa phương học hỏi. 

Từ việc biết lắng nghe những lời khen chê của mọi người, sau nhiều lần thử đi thử lại thì cuối cùng anh Khiêm cũng đúc kết được bí quyết nấu rượu vừa đảm bảo an toàn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của nếp cái hoa vàng. Mặc dù chỉ mới chân ướt chân ráo bén duyên với nghề nấu rượu song rượu nếp cái hoa vàng của anh đã được khách hàng trên nhiều tỉnh đánh giá cao. Mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất hơn 500 lít rượu để đáp ứng nhu cầu người dùng. 

Ngay khi có được những thành tựu bước đầu thì anh Khiêm không tự thỏa mãn mà anh vẫn hứng thú hứng thú tìm hiểu, học hỏi thêm. Từ rượu nếp cái hoa vàng đơn thuần, anh Khiêm tiếp tục nghiên cứu nâng tầm sản phẩm. Đầu năm 2019, anh có ý tưởng táo bạo khi kết hợp rượu với tỏi thành sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Mới đầu anh định làm tỏi đen để ngâm rượu song không phù hợp. Anh Khiêm chia sẻ: "Ngày trước tôi cũng chạy theo phong trào, thấy người ta làm tỏi đen cũng nôn nóng trồng tỏi một nhánh. Tuy vậy, đất Kinh Môn trồng giống này không hiệu quả, bắt buộc phải nhập từ nơi khác. Thay vì lấy cái độc đáo của nơi khác thu hút khách hàng thì tại sao không tự tạo đặc trưng cho nguyên liệu sẵn có". 

Và sản phẩm rượu tỏi ra đời bằng chính tâm huyết và niềm tin của anh với nông sản địa phương. Kinh Môn là vùng đất trồng ra loại tỏi tía thơm nồng lại nhiều tinh dầu hơn các loại khác. Với lợi thế này cùng sự giúp đỡ của những chuyên gia dược phẩm, anh Khiêm đã sản xuất thành công rượu tỏi và tỏi mật có công dụng nâng cao sức đề kháng. 

Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc xưởng của anh "cháy hàng" 2 sản phẩm này. Không chỉ bán trong nước, anh Khiêm đã có đơn hàng xuất khẩu. Tuy đã có chứng nhận đánh giá về chất lượng và độ an toàn, song vì là sản phẩm mới nên anh luôn tiếp thu đóng góp của các chuyên gia, đơn vị đầu ngành để hoàn thiện quy trình sản xuất.

Chuyện ông nông dân với "khát vọng" chế biến sâu nông sản của quê hương - Ảnh 3.

Anh Trần Đình Khiêm là một trong 100 nông dân xuất sắc 2022.

Những sản phẩm rượu của anh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao nhưng anh vẫn muốn tìm tòi, chế biến nhiều hơn nữa những sản phẩm từ nông sản người dân địa phương. Anh lại tiếp tục cho ra đời rượu sắn dây, đây là loại rượu đầu tiên có trên thị trường. 

Anh hào hứng giới thiêu: "Nhiều người khi nghe đến rượu sắn dây cũng ngạc nhiên vì sự kết hợp không liên quan này, bình thường sắn dây chỉ để pha uống chứ chưa ai nghĩ sẽ kết hợp với rượu. Nhưng với tôi thì việc kết hợp này vì tính hàn củ sắn dây sẽ kiềm độ nóng của rượu nên hạn chế phần nào mặt có hại của rượu tới sức khỏe".

Đến đầu năm 2021 sau nhiều lần tìm tòi sản phẩm chất lượng thì anh được giới thiệu đông trung hạ thảo, lúc này nhờ vào mối quan hệ anh đã tiếp cận được với quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Anh nhận thấy việc sản xuất rượu đông trung hạ thảo có năng suất cao và mang lại doanh thu khá nên anh đã đầu tư nhà nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Sản phẩm rượu đông trùng của anh năm 2021 đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Anh luôn tâm niệm: "Người nông dân luôn thiệt thòi vì bán sức lao động lại khó có thể ngã giá sản phẩm làm ra, nhưng khi sản phẩm được chế biến sâu, không phụ thuộc vào được mùa mất giá thì sẽ giành lại quyền tự quyết. Thương lái có thể mặc cả, kỳ kèo giá bán gạo nếp, sắn dây, tỏi nhưng với những mặt hàng chế biến sâu mà tôi đang sản xuất, kinh doanh thì giá cao hay thấp là do tôi định đoạt. Đến nay, tôi vẫn chưa tính toán nhiều đến lãi lời nhưng theo suy đoán của người từng trải trên thương trường, tôi nghĩ hướng đi này rất khả quan". 

 Hiện nay anh Khiêm đang mở rộng thêm nhà máy, mua thêm nhiều máy móc hiện đại hơn để để thỏa sức với đam mê, cũng như nâng tầm chất lượng sản phẩm hơn nữa. Với kiến thức tích lũy được, anh dự định sẽ phát triển sản phẩm cao tỏi đen một cách chuyên sâu, quy mô lớn. Nếu thành công, những trăn trở, suy tư của anh về nông sản quê hương sẽ vơi bớt vì người dân có nguồn tiêu thụ nông sản ổn định với giá bán xứng đáng.

Chuyện ông nông dân với "khát vọng" chế biến sâu nông sản của quê hương - Ảnh 4.

Những bằng khen, chứng nhận sản phẩm đạt OCOP của anh Trần Đình Khiêm.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đào Xuân Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: Trong thời gian qua, đặc biệt là trong phong trào nông dân xuất sắc, Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên chú trọng những công việc theo chức năng nhiệm vụ của mình, đặc biệt là định hướng tuyên truyền để hướng dẫn các hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là sản xuất những sản phẩm OCOP theo quy trình để đảm bảo nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất ra những sản phẩm mà có ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt công nghệ hữu cơ. 

Gần đây đang tăng cường việc ứng dụng công nghệ số để làm sao sản xuất ra sản phẩm theo quy chuẩn chất lượng nhất. Ngoài ra Hội cũng tang cường liên kết cho các hội viên tiêu thụ sản phẩm, trong quá trình đó đã hỗ trợ hội viên vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với anh Khiêm thì đã và đang sản xuất 6 sản phẩm như rươu đông trùng hạ thảo, rượu tỏi… đạt 3,4 sao. Chỉ tính riêng năm 2021, anh Khiêm thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập 10 triệu đồng mỗi người 1 tháng và 14 lao động khác theo thời vụ. Cùng với thu mua, sản xuất hàng nông sản, Công ty TNHH Một thành viên Phương Khiêm do anh Khiêm làm giám đốc còn mở rộng lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nông sản như bột sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng, tỏi mật và một số sản phẩm khác. 

Nhờ sự nhanh nhạy và đầu tư đúng hướng, các sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Ngoài ra những sản phẩm của anh Khiêm hiện vẫn chưa được quảng bá rộng rãi, vì vậy Hội cũng đã vận động, tuyên truyền định hướng và sẽ tìm các giải pháp để hỗ trợ gia đình anh Khiêm nói riêng và các hội viên nông dân nói chung, Hội sẽ tổ chức cho sản phẩm đi xúc tiến thương mại ở các vùng miền, nước ngoài để làm sao quảng bá thương hiệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem