Nông dân xứ Lạng vừa tăng thu nhập vừa cải thiện dinh dưỡng nhờ trồng thứ này

Mộc Trà Chủ nhật, ngày 22/11/2020 08:58 AM (GMT+7)
Sau gần nửa năm thực hiện mô hình trồng bí đỏ dinh dưỡng, 51 hộ dân xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã có những thu hoạch ban đầu. Giống bí mới có thịt khá dày, thơm ngon, rất phù hợp với việc cải thiện dinh dưỡng.
Bình luận 0

Bản Đin, Pác Làng là 2 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Điềm He (xã Song Giang cũ), tổng số hộ dân thuộc 2 thôn là 89 hộ, nhưng có đến 9 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo. Thu nhập của người dân chủ yếu từ lúa, ngô, trung bình chỉ đạt khoảng 13,2 triệu đồng/người/năm, rất thấp so với mặt bằng chung của xã và huyện.

Đặc biệt, trên địa bàn 2 thôn có 19 thai phụ, 20 trẻ em dưới 2 tuổi và 67 trẻ em tuổi từ 2-15 tuổi. Trong đó, tỉ lệ trẻ em thiếu cân là 18%, tỉ lệ trẻ em thấp còi là 15%.

Nông dân xứ Lạng trồng bí đỏ tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng - Ảnh 1.

51 hộ dân xã Điềm He được hỗ trợ phát triển cây bí cải thiện dinh dưỡng và tăng thu nhập.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và phụ nữ có thai, đồng thời giảm nghèo bền vững, 51 hộ dân tại xã Điềm He đã được hỗ trợ phát triển mô hình trồng bí đỏ. 

Dự án gắn với với chương trình "Không còn nạn đói" tại tỉnh Lạng Sơn do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thực hiện từ tháng 6/12 - tháng 12/2020.

Bà Nguyễn Thị Hảo (thôn Bản Đin, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, đây là năm đầu tiên gia đình bà trồng hơn 2ha giống bí đỏ mật này nên còn khá lúng túng với kỹ thuật trồng và chăm sóc, cắt tỉa sao cho cây khỏe, ra nhiều trái.

"Nhờ được tập huấn và hỗ trợ từ cán bộ xã, người dân chúng tôi cũng yên tâm tự tin trồng giống bí mới này. Tuy nhiên, do bí được trồng muộn hơn so với mùa vụ (tháng 7/2020) nên đợt ra hoa đầu tiên gặp phải thời tiết mưa ẩm nhiều, khiến lá, quả bị nấm, vàng và thối nhiều, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, những đợt hoa sau gặp thời tiết thuận lợi hơn, quả cũng đậu mức khá"- bà Hảo cho biết.

Nông dân xứ Lạng trồng bí đỏ tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều diện tích bí của bà con bị thiệt hại. Tuy nhiên đợt ra hoa muộn lại gặp điều kiện thuận lợi, bí đậu trái khá nhiều.

Hiện tại vườn bí đỏ của gia đình bà Hảo đang già quả và chuẩn bị cho thu hoạch. Theo bà Hảo, giống bí đỏ mật này khá dày thịt, nặng cân, thơm ngon và đặc biệt thịt quả ngọt, chắc, không bở như những giống bí thông thường.

"Giống bí ngọt, ngon nên tôi thường xuyên đem nấu cháo cho cháu và chế biến thành nhiều món ăn trong các bữa cơm hằng ngày cho gia đình. Khi triển khai mô hình, họ cam kết hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho bà con theo giá cả thị trường và mức giá thấp nhất 2.000 đồng/kg. Bởi vậy, tôi dự định sau thu hoạch sẽ để lại gia đình sử dụng, phần còn lại sẽ bán để có thêm thu nhập" - bà Hảo nói.

Nông dân xứ Lạng trồng bí đỏ tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng - Ảnh 3.

Thời tiết mưa ẩm nhiều tạo thành nấm gây thối quả, ảnh hưởng đến năng suất bí.

Do gặp phải thời tiết không thuận lợi như sương muối, mưa nhiều, nên vụ bí đầu của bà con chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tương tự như gia đình bà Hảo, nhiều hộ gia đình khác tham gia dự án như ông Hoàng Văn Ngoan, Hoàng Sỹ Hưng... cũng có diện tích trồng bí bị ảnh hưởng làm giảm năng suất.

Ông Lý Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết, dự án được triển khai trên 15ha, chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 của dự án đã triển khai thực hiện từ tháng 7/2020 với 7ha. Đối tượng gồm 51 hộ dân, trong đó có 9 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tháng tuổi và phụ nữ mang thai. Đợt 2 của dự án dự kiến sẽ triển khai từ khoảng tháng 2/2021 với diện tích khoảng 8ha.

"Mong rằng, đợt tới hiệu quả kinh tế từ cây bí đỏ mang lại sẽ cao hơn, góp phần cải thiện dinh dưỡng và tăng thu nhập cho người dân nơi đây"- ông Quốc chia sẻ.

Nông dân xứ Lạng trồng bí đỏ tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng - Ảnh 4.

Những trái bí đỏ mật có trọng lượng khoảng hơn 3kg tại vườn của bà con thuộc dự án.

Đánh giá ban đầu về hiệu quả kinh tế của việc triển khai trồng giống bí đỏ này, theo ông Quốc, do đơn vị cung cấp giống triển khai muộn hơn so với thời gian dự kiến nên mùa vụ bị chậm so với bình thường. Thứ 2, do thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa nhiều gây nhiều bệnh về nấm, mốc, gây thối lá, hoa, quả ảnh hưởng đến chất lượng thụ phấn và đậu quả.

Ông Quốc cho biết thêm, xã Điềm He cũng đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn rà soát các hộ dân đủ điều kiện, hỗ trợ kiểm tra xử lý, báo cáo tình trạng phát triển của cây bí để có biện pháp xử lý giúp người dân có vụ bí đạt hiệu quả kinh tế cao.

Việc triển khai dự án sẽ giúp cung cấp nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho những hộ nông dân tham gia mô hình. Sản phẩm dư thừa có thể tiêu thụ tại địa phương qua việc gắn kết với một số đơn vị thu mua, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 Đồng thời, còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện dinh dưỡng cho người dân và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem