Nóng: EU bỏ kiểm soát đối với mỳ ăn liền của Việt Nam

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 13/06/2024 11:33 AM (GMT+7)
Nhờ kiểm soát và tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mỳ ăn liền, phía EU đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền ra khỏi danh sách tại Phụ lục I, tức là sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.
Bình luận 0

Thông tin này được ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) thông tin với Báo điện tử Dân Việt, ngày 13/6.

Theo ông Nam, Văn phòng SPS Việt Nam vừa nhận được thông báo từ Ban thư ký Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU sửa đổi Quy định (EU) 2019/1973. Quy định này có hiệu lực từ ngày 02/7/2024.

Theo đó, sản phẩm mỳ ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt) của Việt Nam là sản phẩm bị tăng tần suất kiểm tra biên giới từ tháng 12/2021 do chứa etylen oxyde (EO). 

Kết quả kiểm soát và việc tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mỳ ăn liền, phía EU đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền ra khỏi danh sách tại Phụ lục I, tức là sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.

Trước đó, từ tháng 2/2022, mỳ ăn liền Việt Nam chịu kiểm soát chất lượng khi vào thị trường châu Âu, như phải có chứng thư do cơ quan quản lý Việt Nam cấp, kiểm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (chất ethylene oxide - EO) với tần suất 20% tại cảng nhập khẩu.

Nóng: EU bỏ kiểm soát đối với mỳ ăn liền của Việt Nam - Ảnh 1.

Ngày 11/6/2024, EU đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền ra khỏi danh sách tại Phụ lục I, tức là sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.

Ethylene oxide (EO) thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản. Chất này cũng được dùng để khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặc biệt cho gia vị và thảo mộc, như ớt bột, tiêu và quế do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.

Hiện, mỗi nước, khu vực đưa ra quy định về chất EO khác nhau, có nơi siết chặt như EU, nhưng một số quốc gia nới lỏng hơn. Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng EO trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.

Cũng theo ông Nam, ngoài mỳ ăn liền, EU cũng điều chỉnh quy định kiểm tra với một số mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Theo đó, đối với quả thanh long của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng.

Đối với quả ớt của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng (chuyển từ Phụ lục I sang Phụ lục II).

Đối với đậu bắp của Việt Nam, do còn 02 lô hàng bị vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng.

Đối với sầu riêng của Việt Nam, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem