Đóng dấu mật thông tin giá điện và sự minh bạch thông tin của Bộ Công Thương

P.V Thứ bảy, ngày 27/04/2019 06:30 AM (GMT+7)
Theo VCCI, hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.
Bình luận 0

img

Báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến góp ý về danh mục bí mật Nhà nước của ngành. Theo đó, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.

Ngoài ra, trong lĩnh vực điện, còn có một số nội dung "Mật" khác như các phương thức vận hành dài hạn, đặc biệt là hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền, các tỉnh, thành phố, sơ đồ lưới điện cao áp cấp điện công trình, mục tiêu quan trọng. Theo Bộ Công thương, việc đưa ra danh mục như trên sẽ giúp cơ quan này thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành và phù hợp với chủ trương của nhà nước.

Bộ Công Thương minh bạch hoạt động điều hành giá điện ra sao?

Vào thời điểm Bộ Công Thương ban hành Quyết định điều chỉnh mức tăng giá điện 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,04 đồng/kWh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết, đối với việc công khai minh bạch trong kinh doanh điện cũng như kinh doanh xăng dầu thì Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 01 để công khai minh bạch, đặc biệt là vấn đề điện.

img

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)

Ông Tuấn chia sẻ: “Trang web của Bộ Công Thương đã đăng tải đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh điện, khách hàng mua điện và người dân có thể truy cập vào để biết chi phí thực tế của ngành điện. Chúng tôi cũng đã đăng tải đầy đủ các văn bản quy định của Nhà nước về quy định tính toán giá điện như thế nào, cách kiểm tra công bố, công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Công Thương để cải tiến trang web này để hình thức trang web thân thiện hơn, dễ hiểu hơn với người dùng, với khách hàng. Thứ hai, đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện của ngành điện, cụ thể là EVN, hằng năm theo Quyết định số 24, chúng tôi yêu cầu EVN và các đơn vị thành viên phải kiểm toán trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh điện, và các báo cáo này đều được thực hiện bởi các đơn vị kiểm toán độc lập, chủ yếu là của quốc tế”.

Bộ Công Thương cho biết, sau 10 năm áp dụng và thực hiện, một số danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương đã thay đổi, cần được cập nhật thay thế cho phù hợp quy định pháp luật. Trong danh mục được đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công Thương, có 13 thông tin, tài liệu thuộc diện Tối mật và 30 thông tin, tài liệu thuộc danh mục mật.

Sau đó, dựa trên những kết quả có được, Bộ Công Thương thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra giá thành kinh doanh điện của EVN cũng như các đơn vị thành viên. Sau khi kết thúc kiểm tra, chúng tôi công bố báo cáo kết quả kiểm tra và tổ chức họp báo và đưa ra thông cáo báo chí. Trong kết quả này, chúng ta đưa ra được chi phí nào được tính vào giá điện, lãi lỗ của EVN, đây cũng là cơ sở để chúng ta xem xét, điều chỉnh giá điện trong những lần tiếp theo, bao gồm cả tăng và giảm giá điện.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến công tác về thông tin truyền thông để bằng nhiều hình thức truyền tải đầy đủ thông tin đến các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các DN”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đóng dấu mật thông tin giá điện có hợp lý?

Trong các văn bản góp ý, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng không nên đóng dấu Mật vào phương án giá điện. Theo VCCI, hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Theo VCCI, việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể. Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là khi một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trước khi tăng giá điện khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Song theo các chuyên gia hệ thống điện mà VCCI trao đổi, việc này có thể xử lý rất dễ thông qua một vài biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá tránh thời điểm cao điểm về điện. Từ đây, VCCI đề nghị các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

img

PGS. TS. Ngô Trí Long

Về phía các chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long bày tỏ sự đồng tình với đề xuất đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu do Bộ Công Thương đề xuất. Ông Long giải thích: “Tôi cho rằng Bộ Công Thương không hề có ý định giấu diếm thông tin, bởi có những vấn đề mà yếu tố thời điểm công khai thông tin rất quan trọng. Nhiều cá nhân, đơn vị nếu nắm được thông tin điều chỉnh giá xăng dầu sớm sẽ tìm cách gia tăng tồn kho, chỉ sau ít giờ đồng hồ thực hiện hành vi nêu trên, sẽ làm thay đổi số lượng sản phẩm bán ra. Đối với điện, đặc điểm của mặt hàng này hoạt động sản xuất gắn liền với tiêu dùng, điện sản xuất ra phải được sử dụng ngay. Song hoạt động điều hành giá của Nhà nước vẫn phải giữ bí mật nhằm tránh việc phao tin sai sự thật gây tâm lý tiêu cực trong xã hội, khiến thị trường nhiễu loạn”.

img

TS. Cấn Văn Lực

Trước đó, khi Bộ Công Thương tiến hành điều chỉnh tăng giá điện 8,36%, TS. Cấn Văn Lực cũng từng đưa ra quan điểm: “Cái người dân hay DN mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý và chất lượng sản phẩm hợp lý. Về khách quan, tôi thấy ngành điện đã có nhiều cải tiến trong minh bạch hóa thông tin trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều người dân mong muốn việc minh bạch, thông tin để dễ hiểu hơn, rất mong ngành điện sẽ chuẩn hóa cung cấp thông tin cho người dân, cho DN dễ hiểu để có tính đồng thuận cao hơn. Thứ hai, muốn minh bạch được chúng ta cần phải có phương thức truyền thông phù hợp, giảm các kênh không chính thống đưa thông tin sai lệch khiến người dân hiểu lầm. Cuối cùng, minh bạch là phải đúng thời điểm, đúng lúc, đúng đối tượng, cung cấp thông tin cần thiết không tràn lan. Chúng ta nên tham chiếu những cái đó để minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, một mình ngành điện là không đủ, các bộ ngành, địa phương cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ, tránh người dân nghĩ là ngành điện đang giấu thông tin”.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem