Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa ĐBSCL và Nhật Bản” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mekong - Nhật Bản (Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - JCCI) tổ chức tại Cần Thơ mới đây.
Vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thếÔng Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định tại hội thảo: “ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam. Hằng năm, vùng sản xuất hơn 90% lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu; cung cấp 70% lượng trái cây; đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước... Ngoài ra, ĐBSCL còn là một trong những trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam”.
Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ thông tin thêm: “Nhà đầu tư vào ĐBSCL sẽ có lợi thế là không bị mưa bão làm ảnh hưởng, thuận lợi phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nguồn lao động phong phú trong khi đó mức lương trung bình thấp hơn các vùng khác...”.
Đại diện Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký kết bản ghi nhớ.
Về lợi thế của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản khi đầu tư tại ĐBSCL, ông Lâm Hồng Đức - Trưởng Nhà máy Công ty cổ phần ACECOOK Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long nói: “Gần 10 năm hoạt động tại Vĩnh Long, công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía chính quyền địa phương và hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được sự giúp đỡ”.
Thúc đẩy mối quan hệ 2 bên
"Tôi tin rằng, sự hợp tác giữa DN ĐBSCL và Nhật Bản về nông nghiệp sẽ ngày càng bền vững thông qua sự chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến”. Ông Kohei Watanabe - Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản
|
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho biết, việc các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Hoàng nhấn mạnh: “Để thuận lợi cho các DN nước ngoài đầu tư vào vùng ĐBSCL, tới đây chúng tôi sẽ tăng cường việc mở lớp đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có các chương trình hỗ trợ tích cực hơn nữa đối với các DN Nhật Bản”.
Ông Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định: “Về lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành một địa chỉ đáng tin cậy để các DN Nhật Bản đầu tư”.
Tại hội thảo này, Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký kết bản ghi nhớ. Theo đó, cả hai bên sẽ hỗ trợ cho các DN muốn đầu từ vào ĐBSCL, cùng chia sẻ thông tin và nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Ngoài ra, hai bên sẽ chỉ định và đề cử các địa chỉ đầu mối liên lạc của mình để hai bên tham khảo ý kiến và phối hợp giao lưu kinh tế với nhau...
Huỳnh Xây (Huỳnh Xây)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.