“Nóng” nhất vẫn là Hiến pháp, lấy phiếu tín nhiệm

Thứ hai, ngày 20/05/2013 06:18 AM (GMT+7)
Dân Việt - Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc từ hôm nay, 20.5. Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt do Quốc hội phê chuẩn.
Bình luận 0

Trước khi kỳ họp diễn ra, PV Dân Việt đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề mà các ĐB này quan tâm nhất trong kỳ họp thứ 5.

ĐBQH Đào Trọng Thi quan tâm nhất về việc Quốc hội triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN). Đến nay về cơ bản, ông Thi cho biết không có gì băn khoăn lắm, nhưng vì là lần đầu tiên làm nên nhất định ta phải làm trôi chảy, không để xảy sự cố và quan trọng là phải đạt hiệu quả mong muốn chứ không phải làm chỉ để hình thức, không những không đạt hiệu quả mà còn bị tác dụng ngược.

“Trên thế giới vì chưa có Quốc hội nước nào tổ chức LPTN một số lượng lớn cùng lúc như vậy nên cũng rất khó nói trước điều gì. Công tác chuẩn bị của ta nói chung là chu đáo, nhưng phải chờ xem các ĐBQH thể hiện trách nhiệm của mình thế nào, có đáp ứng được hiệu quả mong muốn không”, ĐB Thi nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Văn Pha (ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, việc LPTN sẽ có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt và gương mẫu.

Ngoài ra, mỗi ĐBQH khi thực hiện LPTN phải xuất phát từ trách nhiệm của mình với cử tri, nhân dân cả nước, từ đó có thái độ khách quan, công tâm để việc LPTN được tiến hành thực chất, không hình thức.

Phân tích sâu hơn, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định: Số phiếu tín nhiệm cao sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn đối với các chức danh trong hoạt động của mình. Còn nếu phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ là hồi chuông thúc giục các chức danh này nỗ lực quản lý hiệu quả lĩnh vực của mình, không thể “tròn vo” trong hoạt động được.

Về một nội dung quan trọng khác là thảo luận việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết:

Việc thảo luận, đóng góp ý kiến của ĐBQH lần này hơi khác vì chúng ta đã có hơn 18 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Đây là tổng hợp các ý kiến đa chiều, đóng góp cho tất cả 124 điều, 11 chương của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nhiều ý kiến đáng chú ý như đề xuất đổi tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành “Việc Nam dân chủ cộng hòa”, đóng góp cho Lời nói đầu với mong muốn ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề chủ quyền nhân dân… Vì thế, Quốc hội sẽ xem xét kỹ những ý kiến của nhân dân đóng góp như thế thì đã phù hợp chưa, tiếp tục đưa vào để chỉnh lý, hoàn thiện. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành trọn 2 ngày thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Trong khi đó, ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng, tại kỳ họp này, việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ có tác dụng chuyển biến một bước, bởi thời gian 3 tháng lấy ý kiến nhân dân vừa qua là ngắn, chưa thể tập hợp cặn kẽ những kiến nghị của nhân dân. Ông đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp từ nay đến hết tháng 9.2013, trước khi đưa ra Kỳ họp thứ 6 để việc thảo luận đạt hiệu quả cao hơn.

Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012, việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2013; nghe Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2011…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem