Nông sản Đồng Giao vươn rộng ra thế giới

Chủ nhật, ngày 19/08/2012 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại để chế biến các loại nông sản, ông Đinh Cao Khuê - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rau quả nông sản VN kiêm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đã đưa nhiều mặt hàng chinh phục thị trường các nước.
Bình luận 0

Đưa dứa về nông trường

Nói đến Nông trường (NT) Đồng Giao, điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến, đó là một nông trường dứa nổi tiếng, song ít ai biết được trước khi gắn với cây dứa, NT này đã trải qua không ít thăng trầm. Sau một thời kỳ khai khẩn, đến năm 1960, NT Đồng Giao được thành lập tại thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) với nhiệm vụ phát triển nhiều loại cây, con, ngành nghề. Tuy nhiên, NT Đồng Giao chỉ thực sự phát triển khi bắt tay vào đổi mới và người khởi đầu quá trình đổi mới đó là Giám đốc Đinh Cao Khuê.

img
Bộ mặt nông thôn ở Đồng Giao ngày càng thay đổi nhờ sự dám nghĩ, dám làm của Giám đốc Khuê.

Đã có thời, cây dứa phải nhường ngôi cho cây mía. Song tới năm 1997, ngay sau khi có quyết định của Bộ NNPTNT cho phép Xí nghiệp Nông công nghiệp Đồng Giao được đổi thành Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, ông Khuê đã cùng lãnh đạo công ty bắt đầu nghiên cứu tìm ra hướng đi mới cho công ty. “Sau nhiều phương án bàn bạc, thống nhất, cuối cùng chúng tôi đã đi đến kết luận là phải khôi phục cây dứa trên đất nông trường” - ông Khuê kể. Giống dứa QUEEN, rồi CAYEN đã được trồng ở Đồng Giao và đến nay cây dứa đã trở thành cây chủ lực của NT với diện tích gần 1.800ha.

Khi đã tìm ra cây trồng chủ lực cho NT, ông Khuê cùng lãnh đạo công ty lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và đưa vào trồng trọt một số cây trồng mới như vải, lạc tiên, ngô ngọt, ngô rau, dưa chuột. Đặc biệt, công ty đã tổ chức ký khoán cho các hộ nhận đất theo Nghị định 135, mỗi người lao động trở thành người chủ thực sự để sử dụng và đầu tư trên mảnh đất nhận khoán của mình theo định hướng cây trồng của công ty. Ông Khuê cho biết: “Hiện tại, toàn NT Đồng Giao có diện tích rộng 5.500ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 4.000ha với khoảng 1.800 hộ chuyên làm nghề trồng dứa, bình quân mỗi hộ có ít nhất 1ha đất canh tác trở lên. Tổng sản lượng dứa thu về mỗi năm ở Đồng Giao đạt 30.000-35.000 tấn dứa”.

Chế biến phải là số 1

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Khuê thường xuyên nhắc đến chế biến nông sản, bởi theo ông, có được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đã khó, nhưng còn khó hơn nếu không biết chế biến chúng thành những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện công ty có các sản phẩm như nước quả cô đặc, quả đóng hộp, mà gần đây có thêm ngô ngọt, vải tươi là những mặt hàng được thị trường ưa chuộng và có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất.

Xác định được tầm quan trọng của công nghệ chế biến, ông Khuê đã cùng với lãnh đạo công ty quyết định đầu tư 4 dây chuyền chế biến nông sản hiện đại, như các công nghệ cô đặc dứa, ép vải, nhãn, lạc tiên... Ông cho biết: “Mấy năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch vải hay nhãn là lại xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm, giá giảm mạnh. Trong khi thị trường Trung Quốc hiện đã giảm nhập khẩu vải, nhãn sấy. Do đó, chỉ còn cách là ép ra nước để uống sẽ hiệu quả hơn, bởi thời gian bảo quản kéo dài, có thể xuất khẩu đi được nhiều nước”.

Chìa khoá làm nên sự thành công ở Đồng Giao chính là việc đẩy mạnh và hiện đại hoá công nghệ chế biến nông sản với khối lượng lớn các loại dứa, dưa chuột, rau, ngô... đã được chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

2 lần từ chối làm “quan to”

Từ thành công ở Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, ông Khuê đã liên tục được Tổng công ty Rau quả nông sản Việt Nam- công ty mẹ của Công ty Đồng Giao, rồi cả Bộ NNPTNT đề nghị lên làm Phó Tổng Giám đốc.

Nhưng cả 2 lần đề nghị đầu, ông đều từ chối với lý do: Chưa phải thời điểm thích hợp. Mãi đến cuối năm 2011, ông mới nhận chức vụ Phó Tổng Giám đốc. “Thú thực, mình làm doanh nghiệp ở cơ sở lâu rồi, phần vì đã quen với công ty, phần vì có rất nhiều những việc dự định để làm ở Đồng Giao nữa, nên lúc đầu thực sự không muốn lên làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty. Nhưng sau này, các anh trên đó cứ vận động, thuyết phục mãi, mình mới lên...” - ông Khuê giải thích.

Năm 2011, Việt Nam đã lọt vào tốp 5 nước xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 50 nước trên thế giới, thì Công ty Đồng Giao cũng có sản phẩm xuất khẩu đi tới hơn 40 nước.

Trên 20 năm gắn bó với Công ty Đồng Giao giúp ông Khuê thấu hiểu những gian nan, vất vả của người nông dân, từ đó thôi thúc ông nỗ lực mở rộng hoạt động chế biến và xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho công nhân, nông dân.

Ngoài Đồng Giao, công ty còn phối hợp mở rộng vùng nguyên liệu ở các vùng trong tỉnh như Yên Khánh, Yên Mô và ngoài tỉnh như Hà Nam, Thanh Hoá... đồng thời đưa vào nhiều cây trồng mới nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào. Riêng Đồng Giao, ngoài dứa, gần đây đã có nhiều loại cây trồng khác được đưa vào sản xuất như ngô ngọt, dưa chuột, ngô rau, nấm, ớt, gấc, cà chua, đậu đỗ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem