Nông sản, thực phẩm hữu cơ châu Âu ồ ạt vào Việt Nam

An Linh Thứ hai, ngày 30/10/2023 18:12 PM (GMT+7)
Nhiều loại hàng nông sản, thực phẩm sạch, hữu cơ của EU ồ ạt về Việt Nam nhờ lợi thế EVFTA.
Bình luận 0

Nông sản EU ồ ạt về Việt Nam nhờ lợi thế EVFTA

Trong đó, nhiều loại thực phẩm có giá cao, thực phẩm hữu cơ đổ dồn vào chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng chuyên doanh. Ngoài việc khai thác thị trường Việt Nam với sức tiêu thụ lớn với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam được xem là cầu nối để nông sản, thực phẩm EU hoặc theo chuỗi tiêu chuẩn EU xâm nhập vào ASEAN, nhờ lợi thế bỏ thuế.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, số mặt hàng nhập khẩu từ EU là các loại hàng thực phẩm, rau quả ngày càng tăng cao. Trước đây, hàng nhập thường thông qua hàng xách tay, tạm nhập tái xuất hoặc hàng ký gửi nhưng nay nhiều loại nông sản, thực phẩm đã mở mã hàng HS mới để nhập vào Việt Nam theo đường chính ngạch.

"Nhóm hàng nông sản (hoa quả) thực phẩm tươi sống, đông lạnh từ EU về Việt Nam tăng mạnh, từ chỗ chỉ vài triệu Euro/ năm, nay đã lên đến vài chục triệu Euro/năm. Các nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm từ châu Âu định danh chất lượng cao, nên giá cả cao hơn so với các nhóm hàng nhập khẩu từ các nước khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Hưởng lợi từ EVFTA, nông sản, thực phẩm hữu cơ châu Âu ồ ạt vào Việt Nam - Ảnh 1.

Nhờ lợi thế bỏ thuế từ EVFTA, nông sản hữu cơ, thực phẩm sạch của châu Âu ồ ạt vào Việt Nam (Ảnh: NT).

Ở chiều ngược lại, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng mạnh nhờ lợi thế EVFTA. Trong đó, năm 2022, tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có những bước tiến vượt trội. Cụ thể, sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2022 tăng 11% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu tăng 15% so với 2021, 28% so với năm 2020.

Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Các biện pháp phi thuế quan như kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). Trong đó, các vấn đề tồn dư chất bảo quản, kháng sinh hoặc thuốc trừ sâu vẫn là nỗi trăn trở đối với nông sản Việt khi vào chuỗi siêu thị, kênh bán lẻ lớn của EU, nhất là khi các nước EU đang đặt ra nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn chứng chỉ xanh, hữu cơ, bền vững và tuần hoàn đối với sản phẩm có truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

Đối với hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU, Bộ Công Thương cho biết sau nhiều nỗ lực hợp tác, đầu tư, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng được mạng lưới tham gia chuỗi sản xuất và xuất khẩu được sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ sang EU dù không nhiều. Thời gian tới, cần nỗ lực đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp châu Âu để tham gia hệ sinh thái, chuỗi sản xuất đưa nông sản Việt sang EU để tăng giá trị, lợi nhuận cho hàng Việt.

Theo Tổng cục Hải quan, hai nước có số lượng nhập khẩu rau quả, thực phẩm, thịt, sữa từ châu Âu vào Việt Nam lớn nhất là Pháp và Đức. Đây cũng là hai thị trường quen thuộc xuất khẩu nông sản sấy khô của Việt Nam. Tổng cục Hải quan cho biết, các mặt hàng rau quả như táo, lê, nho từ nhập từ EU về Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều loại thực phẩm thịt lợn, bò, gà, cừu hay thực phẩm từ sữa như bơ, phô mai, xúc xích từ Pháp, Đức về Việt Nam tăng từ 5-10% mỗi năm, tương đương hàng triệu USD.

Nhờ EVFTA, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, nông nghiệp của EU đưa hàng hóa từ châu Âu vào Việt Nam bởi đây là thị trường cửa ngõ ASEAN, 1 trong hai quốc gia ký FTA với EU (Singapore và Việt Nam), trong khi đó Việt Nam là thị trường dân số đông top 3 ASEAN và là cửa ngõ vào thị trường ASEAN. Hiện, nhiều doanh nghiệp châu Âu không chỉ coi đây là thị trường khai thác thương mại mà còn hướng đến hợp tác, bắt tay với doanh nghiệp nông lâm, thủy sản, hộ sản xuất nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm của EU.

Theo Hiệp hội Nông dân Hữu cơ Đức Naturland, việc sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, được sản xuất tự nhiên và bền vững. Vì vậy, đây là thị trường tốt cho các sản phẩm hữu cơ của EU cũng như là nơi lý tưởng để các nhà sản xuất Đức hợp tác, bắt tay đưa các quy chuẩn hữu cơ vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu ra nhiều thị trường khác nhau.

Hưởng lợi từ EVFTA, nông sản, thực phẩm hữu cơ châu Âu ồ ạt vào Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Marco Schlüter, Trưởng ban Chiến lược & Quan hệ Quốc tế, Hiệp hội Nông dân Hữu cơ Đức Naturland

Các tổ chức nông sản hữu cơ tại châu Âu nhận định, quy tắc canh tác hữu cơ bao gồm mọi giai đoạn của quá trình sản xuất từ khâu lựa chọn hạt giống đến khâu chế biến, bảo quản cuối cùng và cung cấp hàng hóa. Việc sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Bên cạnh đó, việc trồng, chăm sóc, canh tác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của trang trại của EU luôn tôn trọng môi trường tự nhiên như bảo vệ bền vững của tài nguyên đất đai, nước theo hướng quản lý bền vững, và sự đa dạng sinh học.

Ông Marco Schlüter, Trưởng ban Chiến lược & Quan hệ Quốc tế, Hiệp hội Nông dân Hữu cơ Đức Naturland cho rằng: Tiềm năng hợp tác nông dân Việt Nam với nông dân, nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ Đức, EU rất lớn. Tất cả các trang trại và nhà máy chế biến của EU nói chung và Naturland nói riêng đều hoạt động theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó kiểm tra trang trại thường xuyên, đảm bảo sản phẩm thực phẩm đến tay người tiêu dùng là dinh dưỡng, chất lượng, an toàn, xác thực và bền vững.

Theo ông Marco: Mỗi sản phẩm hữu cơ Naturland có một yêu cầu khác nhau về chuỗi sinh thái hữu cơ, với lợi thế Việt Nam là nước đa dạng sinh học, ngành nông nghiệp phát triển và nhiều nông sản, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác cùng với Đức và Naturland để phát triển chuỗi sản phẩm sinh thái, hữu cơ.

"Chúng tôi muốn giới thiệu những thực hành tốt, mô hình tốt để người nông dân có những hiểu biết, nhận định được thế nào là sản xuất hữu cơ, đóng góp cho môi trường, xã hội. Chúng tôi làm nhiệm vụ kết nối nông dân với hệ sinh thái của mình bởi vì đối tác của chúng tôi có nhiều nhà chế biến thức ăn, hàng nông sản, bán lẻ…. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nông nghiệp Việt, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp Việt Nam định hướng sản xuất theo mô hình sạch, hữu cơ có thể kết hợp với chúng tôi và tham gia vào hệ sinh thái cùng sản xuất, cung ứng ra thị trường Việt Nam hoặc hướng đến xuất khẩu qua đơn vị bán lẻ", ông Marco Schlüter nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem